Năm 2021 ngành gỗ xuất siêu hơn 12 tỷ USD

author 15:47 17/12/2021

(VietQ.vn) - Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trị giá xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản năm 2021 ước tính vẫn thu về kết quả ngoạn mục 15,6 tỷ USD, xuất siêu 12,6 tỷ USD.

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản ước đạt trên 15,6 tỷ USD, tăng trưởng trên 18% so với năm 2020, vượt kế hoạch đặt ra (14 tỷ USD). Xuất siêu cao, ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2020. Các đại biểu cũng thảo luận các giải pháp để hoàn thành mục tiêu năm 2022, phấn đấu đưa giá trị xuất khẩu lâm sản đạt từ 16,5 tỷ USD trở lên, tăng 5,7 % so với 2021.

 Sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Về thị trường, gỗ và lâm sản được xuất sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 13,98 tỷ USD, chiếm 89,5% giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 21,4% so với năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ước đạt 1,45 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 14,4 % so với năm 2020.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của doanh nghiệp FDI ước đạt 7,38 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020, chiếm 47,3% giá trị xuất khẩu lâm sản.

Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trị giá xuất khẩu một số sản phẩm tăng cao như: Dăm gỗ tăng 18,4%, viên nén gỗ tăng 17,4%. Điều này là do nhu cầu tiêu dùng nhiệt điện tăng mạnh tại một số quốc gia, điển hình như Hàn Quốc.

Cùng với đó, các thị trường chính xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp. Đây là những thử thách đòi hỏi những giải pháp nhanh chóng trong quá trình tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… đã được phê chuẩn và đi vào thực tiễn.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đến sản xuất tiêu dùng sẽ tiếp tục là những thách thức tác động tới ngành công nghiệp chế biến gỗ trong thời gian tới. Ngoài ra, các thị trường chính xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Đáng chú ý, nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp. Chủ nghĩa bảo hộ của các quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có xu hướng tăng; tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của nước ta.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cùng “chung tay” với doanh nghiệp chuyển dịch từ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu sang gỗ rừng trồng trong nước. Muốn vậy, cơ chế chính sách về đất đai phải thay đổi mang tính đột phá. Các doanh nghiệp trong ngành cần thay đổi phương thức sản xuất, đóng gói, giao hàng.

 Hoài Thương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang