Mối nguy từ rác thải thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường

(VietQ.vn) - Thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất độc hại tuy nhiên sau khi sử dụng xong người dân vẫn có thói quen vứt chai, lọ chứa thuốc bừa bãi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Israel thông báo dự thảo tiêu chuẩn đối với áo phao cho tàu biển
Trung tâm du lịch Đảo Ó Đồng Trường vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Tăng cường kiểm tra đồ chơi trẻ em Baby Three trên cả nước
Thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, tồn tại rất lâu trong môi trường nên khó phân hủy sinh học. Do đó, theo quy định rác thải thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng phải được thu gom vào các bể chứa, không được bỏ chung với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng, không tự ý đốt hoặc đem chôn lấp...
Phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho thấy, trong mỗi bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng luôn tồn dư lượng thuốc tối thiểu là 2% thể tích. Do đó chai, lọ, bao bì thuốc được xếp vào diện chất thải rắn độc hại, nguy hiểm. Khi những hóa chất này ngấm vào đất, vào nguồn nước hoặc phát tán trong không khí sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người tiếp xúc.
Dù đã có những khuyến cáo từ cơ quan chức năng và từ nhà sản xuất, nhưng nhiều người sử dụng chưa lưu tâm làm theo mà vẫn duy trì những thói quen có hại trong sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, theo ghi nhận trên cánh đồng Đắk Rền, xã Nâm N'Đir, huyện Krông Nô, Đắk Nông, tình trạng vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật người dân thường vứt rác bừa bãi. Tại phường Khánh Xuân, xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk tình trạng vỏ chai thuốc sâu, diệt cỏ bị vứt tràn lan đáng báo động gây ô nhiễm nguồn nước. Theo lãnh đạo địa phương và ngành nông nghiệp, dù đã có quy trình xử lý rác thải thuốc bảo vệ thực vật, nhưng việc thực hiện gặp khó khăn do thiếu kinh phí và ý thức người dân chưa cao.
Hay hằng năm trên địa bàn tỉnh Hải Dương sử dụng khoảng trên 330 tấn thuốc bảo vệ thực vật, với lượng thuốc được sử dụng như trên sẽ phát thải ra môi trường gần 50 tấn vỏ bao bì. Tương tự theo số liệu thống kê của ngành chức năng tỉnh Bắc Giang, tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật của tỉnh dao động từ 130-140 tấn/năm. Trong quá trình sử dụng nhiều người dân còn vứt bao gói thuốc bừa bãi ngoài đồng ruộng, khoảng 88% khối lượng bao gói thuốc sau sử dụng chưa được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường đất, nước, giảm chất lượng nông sản và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, với diện tích gieo trồng trên 396.400ha như hiện nay, địa phương này mỗi năm cần 3.717 tấn hóa chất bảo vệ thực vật. Toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở sản xuất và 2.460 điểm kinh doanh, phân bố ở hầu khắp các huyện, thành phố trong tỉnh, đáp ứng đầy đủ các loại vật tư nông nghiệp cho nông dân khi cần. Với 3.717 tấn hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng như trên, lượng bao, gói, chai thuốc thải ra môi trường hàng năm tại Lâm Đồng vào khoảng 175 - 200 tấn/năm.
Để tăng cường công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, trước đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng “Chương trình Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021-2025”, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đăng ký đạt 30%, tăng lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng lên 20%.
Mục tiêu chính của chương trình là hỗ trợ nông dân địa phương tiếp cận và được tập huấn về các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, từ đó giúp nâng cao nhận thức và thói quen sử dụng thuốc một cách có trách nhiệm của nông dân, giảm tình trạng lạm dụng thuốc.
Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn để cấp mã số vùng trồng. Cùng với việc hợp tác với các địa phương đẩy mạnh việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, thời gian tới Cục Bảo vệ thực vật cần liên tục, thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ đầu vào của thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ cho phép sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc thế hệ mới và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
An Dương (T/h)