Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vận hành hiệu quả 'bánh xe' logistics

author 06:40 24/06/2021

(VietQ.vn) - Tính đến nay, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics của nước ta chỉ khoảng 10% nhu cầu của thị trường. Bởi vậy có thể nói, nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Vai trò then chốt

Nếu như coi nền kinh tế là một cỗ xe, thì logistics giống như những chiếc bánh xe luôn vận hành không ngừng nghỉ. Trong thế kỷ XXI, khi Việt Nam đang tiến trên “xa lộ” hội nhập quốc tế, chúng ta cần thêm nhiều động lực để cỗ xe kinh tế nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn. Trong đó, nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt giúp bánh xe logistics vận hành hiệu quả.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực. Tuy nhiên, khả năng nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường, nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt giúp bánh xe logistics vận hành hiệu quả. 

Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ngoài khó khăn về vốn, doanh nghiệp logistics Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, lao động được đào tạo bài bản trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Kết quả khảo sát của Hiệp hội chỉ ra, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này.

Theo đánh giá của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, khó khăn mà logistics Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt chính là nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp. Cùng với đó, sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như trạng thái tâm lý của lao động logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận làn sóng di chuyển lao động giữa các nước ASEAN chưa cao. Ngoài ra, vấn đề kỷ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật, cường độ lao động thấp cũng là những hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới đối với nhân lực logistics Việt Nam.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics

Nhiều chuyên gia nhận định, để xây dựng nguồn nhân lực vững mạnh trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam đòi hỏi sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp logistics và các trường dạy nghề. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cho rằng, đào tạo nhân nguồn nhân lực logitsics chất lượng cao là yêu cầu cấp bách hiện nay. “Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, trong đó nhấn mạnh và chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực được cấp văn bằng quốc tế về logistics, và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu”-, bà Hòa thông tin.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ông Trần Thanh Hải nêu rõ, yêu cầu về chất lượng trình độ chuyên môn và kỹ năng của nhân lực logistics ngày càng cần nâng cao. Đặc biệt nguồn lao động có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, các kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, đàm phán... sẽ là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp. “Về lâu dài, nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng đuổi kịp các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước và quốc tế”- ông Hải cho biết.

Để khắc phục những bất cập và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động phát triển nhân lực logistics nói chung và đào tạo logistics nói riêng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam. Theo nhìn nhận của ông Trần Thanh Hải, đây là một bước cụ thể nhằm triển khai các nhiệm vụ đã được nêu trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam có nhiệm vụ tham gia thực hiện quyết định của Chính phủ nhằm phát triển nhân lực logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics và phát triển ngành logistics đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra.

“Cùng với các hiệp hội khác trong lĩnh vực logistics, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam sẽ chung tay đóng góp để thực hiện mục tiêu đưa ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, vững chắc hơn nữa trong giai đoạn tới” - ông Hải kỳ vọng.

Bộ Công Thương: Tăng trưởng xuất khẩu bền vững, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô (VietQ.vn) - Xuất khẩu bền vững được thể hiện qua các yếu tố như quy mô XK, tốc độ tăng trưởng XK, tính ổn định trong tăng trưởng XK… Điều quan trọng nhất là XK nhưng không đánh đổi những vấn đề quan trọng khác như lao động, môi trường. XK phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định cán cân thương mại.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang