NCB: Vì sao cổ phiếu vẫn chưa thực sự bứt phá?

author 13:41 22/03/2019

(VietQ.vn) - Từ sau khi đổi sang thương hiệu Ngân hàng Quốc dân - NCB (trước đây là Ngân hàng Nam Việt - Navibank), NCB đã có nhiều hoạt động khởi sắc.

Vài năm gần đây, những thông điệp mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước về "làm sạch" hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục được truyền đi. Sự hấp dẫn của ngân hàng thể hiện rõ nhất qua thương vụ ông Phạm Công Danh mua lại Ngân hàng Đại Tín của bà Hứa Thị Phấn, dù biết vào thời điểm đó nhà băng này đã lỗ âm vốn nhiều nghìn tỷ. Mục đích của ông Danh đơn giản là có một tổ chức tín dụng sân sau để bơm vốn cho các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Thiên Thanh. 

Có thể nói, đây là điển hình cho một giai đoạn "tranh tối tranh sáng" của giới ngân hàng. Các ông chủ dễ dàng nắm cổ phần chi phối của một ngân hàng (OceanBank, Southern Bank, Sacombank, Trust Bank). Tuy nhiên, đó chỉ là những cái tên đã biết, còn không ít trường hợp khác chưa được nhắc đến.

Việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông với giá 10.000 đồng để tăng vốn và bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của NCB liệu có khả thi?

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) là nhà băng có sự chuyển giao lãnh đạo gần nhất với ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng được thông qua. 

Cần nói thêm, từ sau khi đổi sang thương hiệu Ngân hàng Quốc dân - NCB (trước đây là Ngân hàng Nam Việt - Navibank), NCB đã có nhiều hoạt động khởi sắc. Theo báo cáo tài chính năm 2018, tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 72 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2017. Trong đó, huy động từ khách hàng tăng gần 5 nghìn tỷ đạt 56 nghìn tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt gần 36 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 nghìn tỷ so với năm 2017.

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt trên 224 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng so với năm 2017.Theo đó, các hoạt động kinh doanh như phí dịch vụ, thu thuần về dịch vụ đều đạt tăng trưởng tốt ở mức 40% so với năm 2017. Nhờ đa dạng các sản phẩm dịch vụ, đi đầu về ứng dụng số hóa, tạo sự khác biệt bằng mô hình tư vấn tài chính thông minh cho khách hàng mà NCB đã gặt hái được nhiều thành quả vượt trội. 

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, HNX:NVB). Trong vòng 90 ngày kể từ khi nhận giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu, ngân hàng sẽ được phép phân phối trên thị trường.

Tổng số lượng cổ phiếu chào bán trong đợt phát hành tới của NCB là 199,44 triệu cổ phiếu. Trong đó, ngân hàng chào bán cho cổ đông hiện hữu 184,6 triệu cổ phiếu và phát hành cho CBCNV 14,88 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị chào bán tính theo mệnh giá là 1.994,4 tỷ đồng. Vốn điều lệ của NCB hiện đạt 3.010,2 tỷ đồng, dự kiến tăng lên hơn 5.000 tỷ đồng. 

NCB niêm yết vào năm 2010 nhưng nhìn lại lịch sử cho thấy thị giá cổ phiếu phần lớn thời gian giao dịch dưới mệnh giá. Chốt phiên giao dịch ngày 21/3/2019, cổ phiếu NCB có giá 8.600 đồng/cổ phiếu. Cần phải nói rằng, hiện hầu hết các ngân hàng đang có kế hoạch tăng vốn và bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng đến nay mới có Techcombank là chốt được, còn HDBank, VPBank… tìm kiếm mấy năm nay vẫn chưa thực hiện được.

Còn nữa...

Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, mục đích của việc bổ sung quy định các sếp ngân hàng không kiêm nhiệm chức danh tương đương tại các doanh nghiệp khác là để hạn chế lạm dụng quyền nhằm thực hiện các hoạt động đầu tư cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường và tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của tổ chức tín dụng. 

Ông Hưng đánh giá, đó là nội dung bổ sung rất quan trọng để ngăn ngừa việc thao túng, đảm bảo minh bạch, an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Thanh Thảo

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang