Nếu lỡ uống C2, Rồng đỏ nhiễm chì, người dùng cần biết cách tự ‘cứu mình’ như nào?

authorDương Phương Ngọc 05:39 01/06/2016

(VietQ.vn) - Theo LS Phạm Công Út, nếu người dùng đã lỡ uống C2, Rồng Đỏ nhiễm chì, họ đành phải tự cứu mình trước khi trời cứu bằng cách đi khám sức khỏe tổng quát.

Hôm qua (ngày 31/3/2016), Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty TNHH URC Hà Nội vì hành vi sản xuất và bán ra thị trường 02 lô sản phẩm trà xanh C2, nước tăng lực Rồng đỏ có hàm lượng chì cao hơn mức công bố, tổng số tiền phạt là hơn 5,8 tỷ đồng.

Trong đó, tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã xuất bán không thu hồi được là gần 4 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa với việc: một số lượng C2, Rồng đỏ không hề nhỏ đã được tiêu thụ trên thị trường và một bộ phận không nhỏ người dân đã vô tình uống phải số hàng hóa không đảm bảo chất lượng này.

Xử phạt URC gần 6 tỷ đồng vì sản xuất C2, Rồng đỏ nhiễm chì nặng(VietQ.vn) - Liên quan tới số sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì nặng, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt URC gần 6 tỷ đồng.

Chính vì vậy, nhiều người tiêu dùng trong quá khứ đã từng sử dụng nhiều C2, Rồng đỏ đã bày tỏ sự lo lắng, hoang mang, bởi, theo các chuyên gia dinh dưỡng, chì là một kim loại nặng cực độc, sẽ rất nguy hiểm cho người dùng nếu dung nạp vì nó tích lũy lâu nhưng thải trừ rất chậm ra khỏi cơ thể.

“Tôi cần làm gì nếu trong quá khứ đã lỡ không may uống phải C2, Rồng Đỏ của URC (có kết luận nhiễm độc chì)?” – đó là câu hỏi thường thấy của người dùng trong những ngày vừa qua.

Nếu ai đó “lỡ” rơi vào trường hợp trên, cựu thẩm phán - LS Phạm Công Út, Trưởng VP Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư Tp.HCM) khuyên: Người tiêu dùng đành phải… tự cứu mình trước khi trời cứu, bằng cách đi làm các xét nghiệm tổng quát sức khỏe, nếu có phát hiện các triệu chứng y khoa thì nên chữa trị và lưu giữ toàn bộ các kết quả xét nghiệm, chi phí điều trị, các hóa đơn, chứng từ, liệt kê các thiệt hại khác về tài sản…

 LS Phạm Công Út khuyên: Người dùng nên đi khám sức khỏe nếu lỡ uống C2, Rồng đỏ nhiễm chì. Ảnh: Facebook

Nhất là phải có chứng cứ chứng minh được mối liên hệ nhân quả từ việc đã “lỡ uống” các chai nước C2, Rồng Đỏ đã nhiễm chì với các hóa đơn, chứng từ hoặc các nguồn chứng minh hợp lý khác để chứng minh rằng mình đã mua nó.

Mặc dù vậy, LS Út cũng nhấn mạnh: “Điều này quả thật là trò đánh đố của thần công lý, vì công lý không hẳn chỉ bảo vệ lẽ công bằng, mà công lý chỉ bảo vệ cho người có chứng cứ trước tòa mà thôi”.

Vì vậy, LS Út nói: “Tôi hy vọng rằng, những khách hàng đã "lỡ uống C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì" cần thu thập chứng cứ để chứng minh việc mình đã mua những chai nước này ở đâu, thời gian nào, đã uống hay chưa uống, có thiệt hại về sức khỏe hay không. Thậm chí, đây cũng có thể là cơ hội cho những ngưỡi đã “lỡ uống” loại nước này đi xét nghiệm toàn diện sức khỏe.

Dù có hoặc chưa có tổn thất gì về sức khỏe, nhưng đó cũng là tổn thất tài chính vì phải làm xét nghiệm y khoa, thậm chí cả tổn thất về tinh thần nếu có chứng cứ cho rằng họ hoang mang lo sợ nếu cho rằng mình đã “uống thuốc độc””.

LS Út cũng cho biết: Nếu khách hàng cần hỗ trợ về mặt pháp lý để đòi lại quyền lợi và sự công bằng cho mình thì hoàn toàn có thể liên hệ với luật sư để được tư vấn một cách miễn phí.

Không chỉ riêng tôi mà tôi tin rằng, sẽ có tập thể đông đúc của cả nước sẳn sàng tập hợp thành các nhóm theo từng địa phương để bảo vệ miễn phí cho người “lỡ uống” chì từ lô hàng C2, Rồng Đỏ bị Bộ Y tế yêu cầu dừng lưu hành.

Vì đây là hoạt động chuyên môn nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng của giới luật sư trong nước vẫn thường xuyên diễn ra” – LS Út nói.

 Các đại lý, các bạn hàng tiêu thụ của Rồng đỏ, C2 có thể kiện URC, đòi bồi thường. Ảnh: P.Ngọc.

Ngoài ra, không chỉ người tiêu dùng, theo LS Út, các thương nhân cũng có thể khởi kiện công ty URC trong “sự cố” nhiễm chì của C2, Rồng đỏ lần này.

Cụ thể, các đối tác thương nhân, các doanh nghiệp, các đại lý, các bạn hàng tiêu thụ của Rồng đỏ, C2 rất dễ kiện URC bởi họ sẽ có những phiếu hóa đơn nhập hàng, xuất hàng hoặc hóa đơn thanh toán tiền. Như vậy, họ sẽ chứng minh được việc sản xuất của URC làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của họ và doanh thu của họ từ những tháng liền kề sau khi sản phẩm lỗi (thuộc dạng độc hại) bị sa sút và kéo dài bao lâu. Và với hậu quả như vậy, URC cần phải bồi thường.

Hiện tại, cho tới thời điểm này, Công ty URC Việt Nam vẫn chưa hề có lời xin lỗi nào đối với người dùng về việc đã “đầu độc” người dùng bằng các lô C2, Rồng đỏ nhiễm chì vượt mức cho phép nhiều lần.

Trong khi, như ông Phạm Hùng Thắng, chuyên gia truyền thông - marketing, sáng lập Học viện Truyền thông & Marketing HEADS Academy đã từng chia sẻ với Chất lượng Việt Nam: Nếu sản phẩm của URC có nồng độ chì quá hạn mức thật thì họ nên xử lý khủng hoảng truyền thông theo cách mà ô mai Hồng Lam đã từng làm kèm với những thông điệp có khả năng trấn an dư luận tốt.

“Xin lỗi, đền bù, cam kết vẫn là 3 bước vô cùng quan trọng trong tất cả các cuộc xử lý khủng hoảng lớn hay nhỏ khi chúng ta là người mắc lỗi với khách hàng” – ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Theo các quy định hiện hành của pháp luật, người tiêu dùng có quyền được bồi thường theo khoản 6, điều 8 và  có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo khoản 7, điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Người tiêu dùng có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo khoản d, điều 9 và được bồi thường thiệt hại theo quy định do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra, theo khoản đ, điều 9, Luật An toàn thực phẩm.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang