Nga cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 có thể bảo vệ người dùng trước mọi biến thể

author 15:50 23/02/2021

(VietQ.vn) - Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin vừa công bố, nước này đã cấp phép sử dụng loại vaccine COVID-19 có tên CoviVac. Trong khi đó, một số quốc gia cũng đang hy vọng về hiệu quả vaccine đang nghiên cứu để trình cấp phép.

Nga cấp phép vaccine CoviVac nhờ khả năng bảo vệ người dùng ở mọi biến thể

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã công bố thông tin này trên truyền hình. Ông bày tỏ sự tự hào khi Nga là quốc gia duy nhất hiện sở hữu 3 loại vaccine ngừa COVID-19, tin tức trên báo Chính Phủ.

Không giống như vaccine Sputnik V có cơ chế sử dụng virus vô hại đưa protein của SARS-CoV-2 vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng miễn dịch, CoviVac là loại vaccine hàm chứa toàn thành phần virus, qua đó được đánh giá là loại vaccine có khả năng bảo vệ người dùng trước mọi biến thể của virus SARS-CoV-2. 

Đến nay, Nga đã sản xuất tổng cộng 11,1 triệu liều vaccine, trong đó có 7,9 triệu liều đã được phân phối cho các chương trình tiêm chủng nội địa.

 Nga tiếp tục cấp phép vaccine COVID-19 thứ 3 nhờ hiệu quả rõ rệt. Ảnh: Chính Phủ

Nhiều quốc gia cũng chạy đua nghiên cứu và trình cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19

Cũng liên quan đến việc sản xuất vaccine COVID-19, cuối tuần qua, hãng Johnson & Johnson (Mỹ) đã trình Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồ sơ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 do hãng sản xuất.

Johnson & Johnson cho biết đây là điều kiện tiên quyết để có thể cung cấp vaccine cho cơ chế phân phối vaccine công bằng COVAX do WHO khởi xướng cùng với Liên minh Vaccine toàn cầu (Gavi) nhằm hỗ trợ vaccine cho các nước nghèo và có thu nhập trung bình.

Vaccine của Johnson & Johnson là loại chỉ tiêm một liều duy nhất và có thể bảo quản ở nhiệt độ lạnh bình thường. Đây chính là một ưu điểm lớn đối với các nước có cơ sở hạ tầng y tế tương đối yếu kém.

Hiện vaccine của hãng đang được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm của Mỹ (FDA) đánh giá và dự kiến đưa ra quyết định vào tuần tới. Kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine có hiệu quả tới 66% đối với nhiều biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, mức độ bảo vệ của vaccine không giống nhau ở các nước, cụ thể như 72% tại Mỹ, 66% tại Mỹ Latin và 57% tại Nam Phi. Công ty Johnson & Johnson cho biết dữ liệu trình WHO bao gồm cả kết quả của cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối.

Trong một diễn biến khác, báo Nikkei đưa tin, Tập đoàn Fujifilm của Nhật Bản sẽ tái khởi động thử nghiệm lâm sàng thuốc Avigan trong điều trị COVID-19. 270 bệnh nhân sẽ tham gia cuộc thử nghiệm lần này và Fujifilm đặt mục tiêu cho Avigan sẽ được cấp phép trong tháng 10 năm nay.

Đại diện của Fujifilm hiện chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên. Trước đó, quá trình cấp phép sử dụng thuốc Avigan trong điều trị COVID-19 tại Nhật Bản đã bị trì hoãn sau khi giới chức y tế nước này hồi tháng 12/2020 cho rằng các dữ liệu thử nghiệm không thuyết phục.

Nhật Bản đã phê chuẩn thuốc Avigan, thường được biết dưới cái tên Favipiravir, để sử dụng cho chữa bệnh cúm khẩn cấp. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại khi Avigan gây dị tật bẩm sinh ở các loài vật thí nghiệm và chưa thể hiện được hiệu quả đối với COVID-19. Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Fujifilm tăng gấp 3 lượng dự trữ quốc gia thuốc Avigan. Hiện Avigan đã được phê chuẩn để điều trị COVID-19 tại Nga, Ấn Độ và Indonesia.

Khẩu trang 3M giả, kém chất lượng tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe(VietQ.vn) - Khẩu trang 3M là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, tuy nhiên thời gian gần đây do tình hình dịch Covid-19 lan nhanh, nhiều gian thương đã có hành vi sản xuất giả loại khẩu trang này.

Trong khi đó, Nhật Bản đã nhận lô vaccine ngừa COVID-19 thứ 2 từ hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) để tiếp tục tiêm chủng cho một số nhân viên y tế trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch. Khoảng 450.000 liều vaccine đã đến thủ đô Tokyo của Nhật Bản sau khi Liên minh châu Âu (EU) "bật đèn xanh" cho việc xuất khẩu vaccine.

Anh tin tưởng các loại vaccine Covid-19 có thể chống lại các biến thể của virus COVID-19

Thủ tướng Anh Boris Johnson mới đây cũng cho biết, ông tin tưởng các loại vaccine COVID-19 hiện có sẽ cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại các biến thể của virus, thêm rằng các công ty dược phẩm đang tiến hành cập nhật các mũi tiêm của họ, tin tức trên VnExpress.

Anh đã đồng ý thỏa thuận cung cấp 50 triệu liều vaccine chống biến thể mới, với CureVac của Đức và các nhà phát triển vaccine khác, như Oxford/AstraZeneca, cũng đang tìm cách thiết kế lại vaccine của họ để chống các biến thể trong năm nay.

"Chúng tôi tự tin rằng tất cả các loại vaccine của chúng ta đều có hiệu quả trong việc giảm tử vong và ca nguy kịch, và chúng tôi không có lý do gì để nghi ngờ rằng chúng cũng có hiệu quả trong việc giảm tử vong và ca nguy kịch do các biến thể mới", ông Johnson nói trước quốc hội. "Trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ thấy các loại vaccine mới để đánh bại các biến thể trốn tránh vaccine".

Phát biểu trước quốc hội, ông Johnson cũng thông báo không dỡ hạn chế đối với dịch vụ trong nhà tại các quán rượu và nhà hàng, ít nhất cho đến giữa tháng 5. Johnson trước đó dự kiến nới phong tỏa trong một nỗ lực dần mở cửa lại nền kinh tế trị giá ba nghìn tỷ USD.

Anh đã tiến nhanh hơn phần lớn phương Tây để đảm bảo nguồn cung cấp vaccine và đã nhanh chóng tiêm chủng cho người dân kể từ tháng 12, một chiến lược thúc đẩy thị trường đồng bảng Anh và chứng khoán tăng cao hơn với hy vọng kinh tế phục hồi.

Khoảng 17,6 triệu người trong tổng 67 triệu dân số của Anh đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên. Chính phủ nước này đặt mục tiêu hoàn tất tiêm liều vaccine đầu tiên cho tất cả người trưởng thành vào cuối tháng 7.

Tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu ngày 23/2/2021

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 87.677.942 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 22.070.592 ca và 93.566 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 22/2, thế giới có tới 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm mạnh.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.

Xét theo khu vực, Bắc Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã ghi nhận lần lượt 33.033.799 ca và 33.247.280 ca nhiễm. Tiếp đến là châu Á trên 24.552.803 ca nhiễm và Nam Mỹ với trên 17.636.000 ca.

Tính đến 6h ngày 23/02: Việt Nam có tổng cộng 1496 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 803 ca.

Trong đó, Hải Dương có 620 ca, Quảng Ninh (60 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (35 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (2 ca).

Tính đến sáng ngày 23/2, một số địa phương như Quảng Ninh đã trải qua 7 ngày không có ca mắc mới và 14 ngày không có ca mắc trong cộng đồng.

Trước đó, ngày 8/2, Quảng Ninh đã công bố kiểm soát được dịch COVID-19; Hà Nội đã qua 1 tuần chưa ghi nhận ca mắc mới COVID-19; Tỉnh Gia Lai đã trải qua 12 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang