Bắt đầu nghiên cứu vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú

author 10:02 19/02/2021

(VietQ.vn) - Viện Y tế Quốc gia Mỹ kêu gọi các dự án nghiên cứu vaccine COVID-19 cần phải nghiên cứu việc sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

Cần phải nghiên cứu vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú

TTXVN đưa tin, phụ nữ mang thai là đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh COVID-19 ở mức nghiêm trọng. Điều này khiến nhiều chuyên gia y tế đã đề xuất phụ nữ mang thai làm việc trong những ngành nghề có nguy cơ nhiễm bệnh cao nên tiêm chủng, dù hiện chưa có bằng chứng cho thấy các loại vaccine hiện nay có an toàn cho họ hay không.

Tuần vừa qua, Viện Y tế Quốc gia Mỹ kêu gọi các dự án nghiên cứu vaccine COVID-19 cần phải nghiên cứu việc sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú. 

Trước tình hình trên, mới đây 2 hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) tuyên bố đã bắt đầu dự án nghiên cứu quốc tế với sự tham gia của 4.000 tình nguyện viên nhằm đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn của vaccine COVID-19 đối với các phụ nữ mang thai khỏe mạnh. Tuy nhiên, các hãng dược khẳng định họ phải ưu tiên đảm bảo vaccine an toàn và hiệu quả cho người dân đại chúng.

Vaccine COVID-19 sẽ được nghiên cứu thử nghiệm cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Ảnh minh họa

Tại Mỹ, cơ quan quản lý cấp phép yêu cầu các hãng dược phải tiến hành nghiên cứu mức độ an toàn của vaccine trên động vật có thai trước khi thử nghiệm cho phụ nữ mang thai để bảo đảm không ảnh hưởng tới thai nhi hoặc có thể dẫn đến sảy thai.

Các hãng dược cho biết số liệu nghiên cứu đến nay chưa thấy có rủi ro nào và nhiều phụ nữ mang thai ở Mỹ đã được tiêm những liều vaccine đầu tiên.

Dự án của Pfizer/BioNTech sẽ nghiên cứu phụ nữ có thai từ 18 tuổi trở lên ở Mỹ, Canada, Argentina, Brazil, Chile, Mozambique, Nam Phi, Anh và Tây Ban Nha. Họ sẽ được tiêm chủng trong khoảng từ tuần 24-34 của thai kỳ, với 2 mũi tiêm cách nhau 21 ngày theo phác đồ đã được áp dụng trong thử nghiệm lâm sàng chung.

Việt Nam sẽ nhập 204.000 liều vaccine COVID-19

Liên quan tới vaccine COVID-19, Bộ Y tế Việt Nam cũng vừa có văn bản đồng ý cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vaccine COVID-19 để phục vụ nhu cầu khẩn cấp chống dịch.

Một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội cũng lên tiếng về việc mua vaccine để tiêm phòng cho người dân. Cho đến nay, chưa có thông tin lạc quan về công việc này.

Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia đang "khát" vaccine COVID-19. Nước nghèo thường không mạnh về nghiên cứu khoa học, trong đó có y khoa. Không sản xuất được vaccine COVID-19, lại không có tiền mua, cung cấp đủ cho người dân. Và ngay cả có tiền, cũng không dễ để mua vaccine trong lúc này.

Tại cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres chỉ trích việc phân phối vaccine COVID-19 "cực kỳ không đồng đều và không công bằng: "10 nước nắm 75% tổng vaccine, 130 nước chưa nhận được liều nào".

Ông Guterres cho rằng: “Vào thời điểm quan trọng này, công bằng vaccine là bài kiểm tra đạo đức lớn nhất trước cộng đồng toàn cầu".

Hiện nay, để chủ động hơn các nhà khoa học Việt Nam đang tập trung sức lực, nhà nước cũng huy động tất cả mọi nguồn lực cho việc sản xuất vaccine COVID-19. 

Xuất hiện biến thể SARS-CoV-2 mới, có khả năng kháng vaccine (VietQ.vn) - Các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh (Anh) vừa ra thông báo phát hiện thêm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mang tên B1525.

Anh tài trợ nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài từ dich COVID-19

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Anh tuyên bố tài trợ 18,7 triệu bảng (25,9 triệu USD) cho 4 dự án nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài từ dịch bệnh COVID-19.

Các dự án này sẽ giúp giải quyết những ảnh hưởng về thể chất và tinh thần mà bệnh COVID-19 gây ra cho các bệnh nhân ở tình trạng không quá nghiêm trọng (bệnh kéo dài nhưng không đến mức phải nhập viện).

Ước tính, khoảng 10% số người mắc COVID-19 có các triệu chứng và chất lượng cuộc sống suy giảm kéo dài hơn 12 tuần. Có đến 55 tác động kéo dài của bệnh COVID-19, trong đó phổ biến nhất là các triệu chứng như khó thở, đau đầu, ho, mệt mỏi và suy giảm nhận thức… Thậm chí, đã có những bằng chứng ban đầu cho thấy một số người mắc COVID-19 bị tổn thương nội tạng.

Phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết bản thân ông đã nhận thức sâu sắc về tác động và suy nhược lâu dài mà COVID-19 có thể gây ra đối với con người ở mọi lứa tuổi, dù các triệu chứng ban đầu có thể khác nhau.

Các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu và khó thở có thể ảnh hưởng đến mọi người trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh. Để giúp đỡ những trường hợp này một cách hiệu quả, cần phải hiểu rõ hơn về những tác động lâu dài của COVID-19 và xác định các phương pháp điều trị giúp phục hồi.

Do đó, Chính phủ Anh tài trợ cho 4 dự án nhằm thực hiện điều này. Các dự án nghiên cứu bao gồm: 5,4 triệu bảng cho nghiên cứu Phản ứng với tác động lâu dài của COVID-19 (REACT-LC) của Giáo sư Paul Elliott thuộc Đại học Hoàng gia London, nhằm phân tích các dữ liệu nhằm xác định lý do tại sao các triệu chứng COVID-19 kéo dài ở người này nhưng lại ngắn ở người khác

2,3 triệu bảng cho nghiên cứu Các liệu pháp điều trị những tác động kéo dài của COVID-19 của Tiến sỹ Shamil Haroon và Giáo sư Melanie Calvert thuộc Đại học Birmingham, nhằm xác định phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho những người có các triệu chứng COVID-19 kéo dài

9,6 triệu bảng cho nghiên cứu Các đặc điểm, yếu tố quyết định, cơ chế và hậu quả của các tác động lâu dài của COVID-19 do Giáo sư Nishi Chaturvedi tại Đại học College London (UCL) đứng đầu.

1,4 triệu bảng cho nghiên cứu Trẻ em và thanh niên có triệu chứng COVID-19 kéo dài nhưng không phải nằm viện của Giáo sư Terence Stephenson tại Viện Sức khỏe Trẻ em thuộc UCL.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang