Đau lòng 3 anh em trong một gia đình chết đuối ở Nghệ An

author 06:35 30/05/2016

(VietQ.vn) - Vụ chết đuối của 3 anh em trong một gia đình tại Nghệ An khiến người dân vô cùng đau xót.

Cụ thể, vụ việc xảy ra vào khoảng chiều ngày 29.5, người dân phát hiện thi thể của 3 học sinh là anh em chết đuối dưới hồ nước đang thi công cạnh trụ sở UBND xã Diễn Quảng (Diễn Châu, Nghệ An).

Hồ nước nơi 3 anh em chết đuối thương tâm ở Nghệ An 

Nạn nhân là 3 em Trần Thành Trung (học sinh lớp 5A trường tiểu học xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) và Trần Thu Hương (học sinh lớp 1C) cùng Trần Việt Hưng (học sinh lớp 4C; Trung và Hương là anh em ruột còn Hưng là con của chú ruột).

Lúc khoảng 14h30’, người dân đi ngang qua hồ nước cạnh Uỷ ban nhân dân xã và hoảng hồn khi phát hiện thi thể của 3 em Trung, Hương và Hưng nổi trong hồ, mọi người hô hoán cứu vớt nhưng không kịp.

Đại diện UBND xã Diễn Quảng cho hay, hiện địa phương đã đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình 3 em về hỗ trợ cho mỗi cháu 5 triệu đồng. Bố mẹ 3 em đều đi làm ở Hà Nội, không có nhà, sau khi nhận tin báo đã nhanh chóng về để lo tang cho con.

Hồ nước nằm gần trụ sở UBND xã Diễn Quảng. Hồ nước này đang được thi công dở nhằm cung cấp nước sạch cho vùng vì thiếu vốn nên công trình còn dang dở.

Theo nhận định ban đầu, hôm nay là ngày nghỉ học, trời nắng, 3 em ra hồ nước tắm nhưng không may bị chết đuối.

Sự việc trên khiến những người chứng kiến vô cùng đau xót. Bà Đông, một người dân tại xã Diễn Quảng chia sẻ: “Nhìn 3 đứa nổi lên mặt hồ đau đớn quá. Bố mẹ chúng bận đi làm ăn xa mãi trên Hà Nội, không biết về nhìn thấy con có chịu nổi không?”

Trong dịp nghỉ hè năm 2015, thời tiết nắng nóng, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra hàng loạt vụ đuối nước khiến hàng chục em nhỏ tử vong. Trong đó chủ yếu là những học sinh đang trong độ tuổi đến trường. Thiết nghĩ chính quyền địa phương, ngành giáo dục và gia đình cần có biện pháp quản lý các em tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 5 năm gần đây, ba tỉnh, thành có số trẻ chết đuối cao nhất nước là Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội. Trong đó, cao nhất là Thanh Hoá (180 em), Nghệ An (152 em). Sau đó là khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long cũng có từ 75-100 nạn nhân/năm.

Mới đây, để tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Chỉ thị yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch; Bộ Lao động,Thương binh & Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trước hết là các trường phổ thông rà soát nội dung chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường, đặc biệt chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó các trường hợp tai nạn, gây thương tích.

Hà Nội: Làm rõ vụ cô giáo mầm non Ánh Sao tát bé gái 16 tháng thâm tím mặt(VietQ.vn) - Chiều nay, Phòng Giáo dục Quận Hà Đông sẽ làm nghi án cô giáo Lương ở trường Mầm non Ánh Sao tát cháu Nhã Phương (16 tháng tuổi) thâm tím mặt.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Bộ Giáo dục & Đào tạo; Bộ Lao động,Thương binh & Xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh theo chức năng quản lý cần tăng cường chỉ đạo việc quản lý, tổ chức hoạt động hè cho học sinh, trẻ em bảo đảm an toàn.

Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường phòng chống đuối nước, tiếp tục triển khai các lớp dạy bơi chính khóa và ngoại khóa nhằm nâng cao kĩ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh.

Nguyên nhân là nhiều địa phương chưa có cơ sở vật chất để dạy bơi và các kỹ năng phòng tránh đuối nước cho học sinh. Số vụ tai nạn thương tích, đuối nước thường xảy ra trong các dịp nghỉ lễ, nghỉ hè, do học sinh được nghỉ học và gia đình không có điều kiện để quản lý các em thường xuyên. Vì vậy, việc phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước cho trẻ em cần có sự phối hợp của nhà trường, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc quản lý các cháu, giáo dục cho các cháu về kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước. Phải có nhắc nhở, cảnh báo các cháu không tắm ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, những nơi nguy hiểm, những nơi thác ghềnh, hay những nơi nước chảy xiết để cho các cháu chủ động việc phòng ngừa đó. Bên cạnh đó, tăng cường việc dạy bơi cho các cháu bằng cách là đề nghị các địa phương từng bước đầu tư về bể bơi, có thể là từng trường, có thể là cụm trường, hoặc sử dụng các công trình thể thao trên địa bàn để các cháu tham gia bơi”.

Theo nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai kế hoạch phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, tổ chức dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em, học sinh bị tai nạn thương tích, đuối nước vẫn xảy ra tại nhiều địa phương.

Do đó, để giảm nhanh nhất những vụ đuối nước thương tâm, nhất là trong các dịp nghỉ hè của các cháu, cần sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp có trách nhiệm của cả nhà trường, gia đình và địa phương.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang