Ngoài cao ốc bỏ hoang, Vicem còn 'sa lầy' ở những dự án nào?

author 17:26 10/06/2019

(VietQ.vn) - Vicem và các công ty con đang đầu tư vào khoảng 20 dự án khác nhau, với số tiền bỏ ra tính đến 31/12/2018 là hơn 2.700 tỷ đồng.

Nổi bật trong số này là Dự án trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, trên diện tích hơn 8.000m2, tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Theo quyết định phê duyệt số 2208/QĐ-XMVN ngày 30/12/2011, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.744 tỷ đồng. Theo quyết định phê duyệt trước đó, công trình có quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm với tổng diện tích sàn 81.000 m2. Mục tiêu vừa làm trung tâm điều hành và giao dịch, kết hợp cho thuê văn phòng.

Ngoài ‘cao ốc bỏ hoang’, Vicem còn 'sa lầy' dự án nào?

 Dự án Vicem Tower của Vicem "đắp chiếu" nhiều năm sẽ được rao bán.

Báo cáo tài chính hợp nhất 2018 của Vicem cho thấy, tính đến 31/12/2018, Vicem đã chi hơn 771,3 tỷ đồng cho dự án. Tuy nhiên, trong văn bản gửi cơ quan chủ quản mới đây, Vicem cho biết đã đầu tư vào dự án hơn 1.430 tỷ đồng.

Ngoài công trình trên, Vicem cũng đầu tư và sa lầy ở loạt dự án khác. Trong đó, Dự án Khu đô thị xi măng Hải Phòng hơn 45 tỷ đồng, Dự án xây dựng khu tổng hợp Vĩnh Tuy hơn 60 tỷ đồng, Khu đô thị Xi măng Bình Phước…

Dự án xây dựng khu tổng hợp Vĩnh Tuy được triển khai từ tháng 7/2012 với tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2015, nhưng đến nay do dự án có tổng mức đầu tư quá lớn, giá thuê văn phòng ngày càng giảm, khối lượng thực hiện chỉ đạt giá trị khoảng trên 60 tỷ đồng, và Vicembuộc phải xem xét chủ trương dừng thực hiện dự án.

Tháng 1/2019, Vicem có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho phép tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất 122 Vĩnh Tuy để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đảm bảo tiến độ cổ phần hóa. Vicem cho hay, sau cổ phần hóa, căn cứ yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc, Vicem sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền việc sử dụng diện tích đất trên.

Dự án Khu đô thị xi măng Hải Phòng có diện tích 78,5ha, tổng mức đầu tư 4.092 tỷ đồng. Được khởi công từ tháng 12/2009 với thiết kế tháp đôi 35 tầng, một số toà 20 tầng, khách sạn 5 sao, khu siêu thị, văn phòng cao cấp, biệt thự, công viên...

Tuy nhiên sau nhiều năm xây dựng, dự án chậm tiến độ và phát sinh nhiều hệ lụy. Dự án sau đó được chuyển cho Vingroup thực hiện. Theo báo cáo tài chính Vicem, số tiền hơn 45 tỷ đồng còn lại sẽ được hoàn trả khi Vingroup thanh toán.

Ngoài ra, Vicem cũng bỏ tiền khoảng 200 tỷ đồng đầu tư dự án Khu đô thị Xi măng Bình Phước để phục vụ nhu cầu ở của cán bộ, công nhân nhà máy Xi măng Bình Phước. Tuy nhiên, dự án vẫn đang nằm trên giấy và đang tìm đối tác để chuyển nhượng.

Năm 2018 Vicem ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.691 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.052 tỷ. Nhưng tổng công ty này cũng phải đối mặt với các khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng từ các công ty con. Theo đó, Vicem Tam Điệp lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 khoảng 1.103 tỷ đồng, Ximăng Hạ Long lỗ lũy kế đến hết 2018 khoảng 3.580 tỷ đồng, Ximăng Sông Thao lỗ lũy kế 410 tỷ…

Trước đó, Thanh tra Bộ Tài chính đã có kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại Vicem.

Theo kết luận, tính đến tháng 6/2017, Vicem đã đầu tư 15 dự án với tổng mức đầu tư ban đầu lên tới 14.642 tỷ đồng. Trong đó có 3 dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, 8 dự án chậm tiến độ 1 - 6 năm và 6 dự án phải dừng thực hiện, thoái vốn gần 1.400 tỷ đồng.

Cụ thể dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 1.951 tỷ đồng lên 2.743 tỷ đồng, tăng 792,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 41% tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu.

Dự án dây chuyền xi măng Hà Tiên 2.2 điều chỉnh từ 3.040 tỷ đồng lên 3.686 tỷ đồng, tăng 646 tỷ đồng, tương ứng tăng 21%. Dự án khai thác mỏ đá vôi Áng Rong (thuộc Xi măng Hoàng Thạch) điều chỉnh tăng thêm 55,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 194%.

 Theo VTC

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang