Ngưng sử dụng amiăng độc hại: Cần thiết nhưng không dễ thực hiện

author 13:14 18/07/2017

(VietQ.vn) - Việc loại bỏ các vật liệu chứa amiăng độc hại ra khỏi đời sống là hết sức cần thiết nhưng không dễ thực hiện vì một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn về kinh tế.

Amiăng là nguyên nhân gây ung thư hàng loạt

Theo tài liệu của WHO, các bệnh ung thư có liên quan tới amiăng trắng được nhiều nhà khoa học chỉ ra bao gồm là ung thư phổi, ung thư trung biểu mô (màng phổi, màng bụng, màng tim), ung thư phổi, thanh quản và ung thư buồng trứng. Thống kê khoa học cũng cho thấy amiăng được coi là chất gây ung thư nghề nghiệp độc hại nhất với hơn một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Người ta ước tính, cứ 170 tấn amiăng được sản xuất và tiêu thụ sẽ gây ra ít nhất một ca tử vong do ung thư trung biểu mô.

Tại Việt Nam, mặc dù đến nay chưa có nghiên cứu nào về những tác hại do amiăng gây ra tại Việt Nam, song rất nhiều con đã số chứng minh, amiăng đã và sẽ đem lại những hậu quả to lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

 Vật liệu amiăng dù độc hại vẫn được sử dụng ở nhiều nơi nhất là các vùng khó khăn.

TS Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết kể từ năm 1988 tới năm 2014, Việt Nam đã ghi nhận 150 trường hợp ung thư trung biểu mô và có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Điều đặc biệt là theo các nghiên cứu trên thế giới, có tới 80% các trường hợp ung thư trung biểu mô là có liên quan tới amiăng. 

Vị Phó Cục trưởng cũng cho biết thêm khi khảo sát tại 6 bệnh viện từ năm 2009 – 2010 đã ghi nhận 447 trường hợp bệnh nghi ngờ có liên quan tới amiăng. Trong đó, 46 trường hợp được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi.

Đây là điều rất đáng lưu ý khi rất nhiều người dân nói chung và bộ phận đồng bào vùng dân tộc, miền núi nói riêng ít biết về tác hại của amiăng và vẫn thường xuyên hứng nước từ mái lợp fibro xi măng để dùng cho ăn uống. Nhiều chuyên gia cho rằng, nhận thức hạn chế của người Việt trong việc sản xuất cũng như sử dụng amiăng sẽ để lại những hậu quả khôn lường.

Loại bỏ amiăng khỏi đời sống, cần nhưng không dễ làm

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cách tốt nhất để phòng chống các bệnh do amiăng gây ra là không sử dụng tất cả các loại sản phẩm có chứa amiăng.

Còn tại Việt Nam, do mức độ sản xuất, sử dụng vật liệu chứa amiăng còn nhiều và chưa thể cấm sử dụng ngay nên các bộ, ban ngành có liên quan đang hình thành văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế sử dụng amiăng, tiến tới lộ trình chấm dứt sử dụng amiăng vào năm 2020.

Về giải pháp trước mắt nhằm hạn chế sử dụng vật liệu chứa chất amiăng độc hại, PGS.TS Bùi Thị An, Phó chủ tịch Liên hiệp hội Hà Nội, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội, Đại biểu quốc hội khóa XIII cho rằng cần chú trọng đến bộ phận những người hiện đang phải tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với vật liệu, vật dụng làm từ amiăng. Trong đó, đối tượng dân cư ở các vùng dân tộc và miền núi (nơi có tỷ lệ sử dụng vật liệu amiăng nhiều nhất tại Việt Nam) là đối tượng cần sao sát nhất.

Bà Bùi Thị An cho rằng hiện tại, các địa phương nên có biện pháp tuyên truyền, giải thích thậm chí áp dụng biện pháp cấm người dân mua các sản phẩm vật liệu từ amiăng. Bên cạnh đó, các bên liên quan cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc đẩy nhanh lộ trình đến năm 2020 để chấm dứt sử dụng amiăng.

 Amiăng là nguyên nhân gây ung thư và chất độc hại này cần phải được loại bỏ khỏi đời sống.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc loại bỏ các vật liệu có chứa amiăng khỏi đời sống của người dân là không dễ. Nguyên nhân chính được cho là xuất phát từ điều kiện kinh tế- xã hội của người dân nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc, miền núi còn nhiều khó khăn. Do đó, họ không thể có đủ chi phí để sử dụng các loại vật liệu xây dựng khác an toàn hơn nhưng có giá thành cao hơn.

“ Điều đáng lo là ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, người dân mình còn khó khăn nên vấn đề về kinh tế nên việc đề ra kế hoạch loại bỏ amiăng còn nhiều khó khăn. Việc này phải thực hiện có lộ trình và đòi hỏi sự bền bỉ trong công tác tuyên truyền, vận động người dân”, PGS. TS Bùi Thị An nói.

Bà An chia sẻ thêm rằng để có thể loại bỏ amiăng ra khỏi cuộc sống của người dân đặc biệt là ở những vùng khó khăn, cần có thêm chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất các loại vật liệu an toàn hơn bởi chi phí cho việc tạo ra các vật liệu không chứa amiăng đắt hơn rất nhiều.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho rằng trong thời gian tới cơ quan này sẽ chỉ đạo các đơn vị truyền thông trong ủy ban phối hợp cùng các đơn vị đối tác tăng cường thông tin, tuyên truyền người dân từ bỏ dần việc sử dụng và tiếp xúc với các vật liệu amiăng độc hại.

Trước đó, vào ngày 27/6, Trung tâm Tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ , bảo vệ môi trường vùng dân tộc và miền núi là đơn vị trực thuộc Học viện Dân tộc, Ủy ban dân tộc phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ (NGO-IC) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ thông tin một số kết quả của Hội nghị Công ước Rotterdam lần thứ 8 (COP8) và lộ trình ngừng sử dụng Aminang trắng ở Việt Nam vào năm 2020”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã nhấn mạnh tầm trọng của những nghiên cứu, trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm loại bỏ chất độc hại amiăng khỏi đời sống, hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng các vật liệu amiăng đặc biệt ở các vùng dân tộc miền núi điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn để đảm bảo sức khỏe con người, ngăn ngừa các loại bệnh nguy hiểm như ung thư.

Ông Phạm Văn Hùng cũng nói thêm rằng các bộ ngành có liên quan tại Việt Nam hiện đang trong quá trình hình thành văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế sử dụng amiăng, tiến tới lộ trình chấm dứt sử dụng amiăng vào năm 2020.

Tại Hội thảo các nhà khoa học, chuyên gia cũng đã trình bày về dự thảo kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng trong đó đề cập vai trò của nhiều tổ chức như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Liên đoàn lao động Việt Nam… cùng nhiều tổ chức xã hội khác.

Phong Lâm

Tiến tới chấm dứt sử dụng amiăng vào năm 2020(VietQ.vn) - Các bộ, ban ngành có liên quan đang hình thành văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế sử dụng amiăng, tiến tới lộ trình chấm dứt sử dụng amiăng vào năm 2020.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang