Người phụ nữ tiên phong thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương

author 18:13 10/06/2023

(VietQ.vn) - Mảng hoạt động truyền thông về khoa học và công nghệ đã tạo nhiều cơ hội cho Ths.Trần Bích Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Thông tin Khoa học công nghệ, Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ tiếp xúc với nhiều người, đi nhiều nơi, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng. Trong đó, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KN ĐMST) là hoạt động mà chị dành nhiều tâm huyết, nỗ lực.

“Những ai đã từng làm công tác hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thì đều hiểu một điều rằng, công việc này không giúp chúng ta giàu có, mà giá trị chúng ta đem lại cho cộng đồng mới là động lực, là mục tiêu để chúng ta dành trọn tâm huyết và đam mê. Khi tham gia công việc này, tôi tiếp xúc được với rất nhiều chuyên gia giỏi, kinh nghiệm, tiếp xúc với nhiều bạn trẻ nhiệt huyết và trí tuệ, tôi được học hỏi từ họ rất nhiều. Cho đi và nhận lấy là những điều tôi có được khi tham gia công việc này”, chị Hạnh chia sẻ.

Hành trình ươm tạo, nuôi dưỡng và truyền lửa khởi nghiệp

Là một cán bộ làm công tác truyền thông, năm 2018, chị “bén duyên” với khởi nghiệp từ Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844). Chị tiên phong tham gia nhiệm vụ truyền thông cho đề án, hỗ trợ và thúc đẩy tỉnh Phú Thọ ban hành kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái. 

Đồng thời, chị đã chủ động tham gia các sự kiện, khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực dành cho cán bộ quản lý về KN ĐMST do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (PTTTDN), Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, BK-Holdings, VCCI tổ chức. Chị Hạnh xúc động: “Càng học hỏi, nghiên cứu tôi càng nhận thấy đam mê với lĩnh vực này, bởi vì đây là lĩnh vực mới, là xu hướng phát triển của tương lai và tạo nên nhiều giá trị cho cộng đồng xã hội”. Niềm đam mê ấy đã thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết để bắt đầu hành trình hỗ trợ của chị.

Chị Hạnh tiên phong triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án 844.

Trong khoảng thời gian này, chị cùng các đồng đội đã hỗ trợ nâng cao năng lực và hỗ trợ hoạt động của mạng lưới huấn luyện viên/cố vấn KN ĐMST; thiết lập mạng lưới truyền thông và đào tạo kỹ năng truyền thông về KN ĐMST cho phóng viên, cán bộ truyền thông của 15 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Hai năm tiếp theo, chị vừa duy trì các nhiệm vụ, hoạt động đã tham gia vừa đưa thêm các sáng kiến mới giúp liên kết các tổ chức, cá nhân truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy kinh doanh theo lĩnh vực chuyên sâu cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp khu vực niềm Nam”, và sau này “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp khu vực miền Trung và miền Bắc” không chỉ mang lại cho chính chị nhiều trải nghiệm, kiến thức, câu chuyện thực tiễn, tấm gương điển hình của KN ĐMST và kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp mà còn khai sáng tư duy và nuôi dưỡng nhiệt huyết để chị và các đồng nghiệp tiếp tục theo đuổi hành trình này. 

Hơn hết, mong muốn miền đất Phú Thọ nuôi dưỡng con người và đam mê, thôi thúc chị truyền ngọn lửa đam mê và các giá trị hữu ích với cộng đồng. Đó là những động lực giúp chị lựa chọn, gắn bó và cống hiến cho công việc hỗ trợ hệ sinh thái trong suốt hơn 5 năm qua.

Vượt định kiến giới, trong “nguy” tạo ra “cơ hội” 

Nghiên cứu khoa học công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp vốn là những công việc không dễ dàng. Riêng với người phụ nữ, những khó khăn càng nhân lên gấp bội, bởi những mối bận tâm về gia đình, những định kiến giới và áp lực xã hội. 

Khi triển khai nhiệm vụ Đề án 844, chị gặp nhiều khó khăn khi phải kết nối một lĩnh vực hoàn toàn mới và phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở từ 15 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc thuộc phạm vi nhiệm vụ. Đây là một công việc không hề đơn giản khi chị đã liên tiếp nhận lại những phản hồi từ chối, những thắc mắc, những yêu cầu làm khó, trì hoãn tiến độ công việc. Nhưng bằng sự kiên trì, khéo léo và những kỹ năng mà chị đã trau dồi được từ các khóa đào tạo, chị đã tìm được tiếng nói chung và sự đồng thuận của lãnh đạo địa phương đồng hành. Chị đã biến “nguy” thành “cơ hội” kết nối, mở rộng mạng lưới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tiếp theo.

Ngay tại Phú Thọ, tuy các cơ sở pháp lý về khởi nghiệp ĐMST đã được ban hành nhưng vẫn chưa triển khai áp dụng hình thành được hệ sinh thái. Mặt khác, tư duy của những người quản lý trực tiếp về khởi nghiệp vẫn chưa bắt kịp với xu hướng nên trong công tác chỉ đạo, tham mưu, đề xuất còn nhiều hạn chế. Chị đã tham gia nhiều khoá đào tạo dành cho cán bộ quản lý, kết hợp với kỹ năng truyền thông của mình, thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất, cùng lúc triển khai tốt các chức năng nhiệm vụ về khởi nghiệp của đơn vị, đồng thời, hỗ trợ nhiều bạn trẻ Phú Thọ thực hiện ước mơ khởi nghiệp của mình.

Suốt hơn 5 năm, chị không ngừng học hỏi và trau dồi nhiều kiến thức về lĩnh vực này qua 4 nhiệm vụ thực tiễn với sự đồng hành của Cục PTTTDN, Văn phòng Đề án 844, Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trường ĐH Bách Khoa, Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ, các tỉnh cùng tham gia phối hợp thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 844… Chị và đồng đội của mình đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hơn 100 thành viên các tỉnh miền núi phía Bắc. Mạng lưới đã hoạt động tích cực và thường xuyên chia sẻ và kết nối thông tin từ khắp các địa phương. Đặc biệt, hơn 20 cố vấn đã được đào tạo và trưởng thành thông qua các chương trình mà chị chủ trì.

Chị Hạnh tham dự Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp và kết nối mạng lưới truyền thông hỗ trợ khởi nghiệp.

Đặc biệt, đã có nhiều ý tưởng, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được chị và đồng đội phát hiện, đào tạo, kết nối, hỗ trợ nhận được đầu tư và cam kết đầu tư như: Trường Food, Bambamboo, HTX cam Sơn Nữ, Gà nhiều cựa Tân Sơn… Trong đó, startup thịt chua Trường Food đã tham gia gọi vốn thành công tại Shark Tank Việt Nam 2022 với 15 tỷ đồng cho 20% cổ phần và đạt giải Nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2022” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động. Một số startup khác cũng đạt được thành tựu, tiêu biểu như: Startup Bambamboo đã có nhiều sản phẩm tre xuất khẩu sang thị trường quốc tế; Startup Bầu Pizza đã nhượng quyền thành công hơn 70 cửa hàng Pizza trên toàn quốc, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động,…

Sau những cố gắng của chị, lãnh đạo các cấp đã có những nhìn nhận và đánh giá công sức cũng như thành quả của chị cùng đồng nghiệp vào sự phát triển của hệ sinh vùng và Quốc gia. Năm 2022, Trung tâm Ứng dụng và Thông tin KHCN - nơi chị đang công tác đã được Sở ban hành Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, trong đó bổ sung thêm nội dung về khởi nghiệp ĐMST. Đồng thời, Sở đã đồng ý chủ trương xây dựng không gian đổi mới sáng tạo của tỉnh Phú Thọ, đặt tại trụ sở của Trung tâm. Đây là những thành quả bước đầu, là nền móng để chị cùng các đồng nghiệp của mình tiếp tục thực hiện đam mê và cố gắng hơn nữa cho sự nghiệp đóng góp vào hệ sinh thái chung.

Kim Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang