Nguồn nước tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn không đạt chất lượng
Ăn nhiều bánh kẹo, uống nước ngọt có thể khiến nhiều bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng tiêu cực
Gia Lai: Đẩy mạnh ứng dụng ISO 9001, tăng hiệu quả quản lý nhà nước
Theo đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP phối hợp Trung tâm Y tế quận 1 thực hiện lấy mẫu nước giám sát ở 20 vị trí tại 10 cơ sở y tế, doanh nghiệp trên địa bàn quận 1 gồm: Bệnh viện (BV) đa khoa Sài Gòn, BV Răng hàm mặt TP.HCM, BV Nhi đồng 2, BV Từ Dũ, BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn, BV quận 1, trạm Y tế các phường: Đa Kao, Phạm Ngũ Lão, Bến Nghé và Coopmart Cống Quỳnh.
Kết quả kiểm nghiệm nước tại các đơn vị nói trên cho thấy, hầu hết bể nước ở đây đều đạt các chỉ tiêu theo QCVN 01-1: 2018/BYT. Tuy nhiên, tại BV đa khoa Sài Gòn (số 125 Lê Lợi, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) có bể nước không đạt chất lượng theo QCVN 01-1: 2018/BYT. Cụ thể, tại lầu 3, khu A, Hội trường C của BV này có thông số clo dư không đạt theo QCVN 01-1: 2018/BYT.
Nguồn nước tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn không đạt chất lượng.
Để đảm bảo chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đề nghị các đơn vị thực tiếp tục duy trì thực hiện vệ sinh bể chứa nước để đảm bảo nguồn nước theo QCVN 01-1:2018/BYT; công khai kết quả giám sát chất lượng nước tại đơn vị để người dân có thông tin về chất lượng nước.
Trong tháng 9 và tháng 10/2024, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP đã thực hiện giám sát chất lượng các nguồn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các đơn vị trên địa bàn huyện Cần Giờ. Qua giám sát chất lượng nước tại xí nghiệp cấp nước Cần Giờ - trạm tăng áp số 2, xí nghiệp cấp nước Cần Giờ - trạm tăng áp số 3, xà lan SG 8806, xà lan SG 1710, vệ tinh nước Thạnh An, tất cả đều đạt chất lượng.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP đề nghị các đơn vị trên tiếp tục duy trì cấp nước an toàn để đảm bảo nguồn nước đạt quy chuẩn cho người dân sử dụng; đồng thời công khai kết quả giám sát chất lượng nước tại đơn vị, phương tiện, vệ tinh nước để người dân có thông tin về chất lượng nước.
Trước đó, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn bị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kiến nghị UBND TP xử phạt vi phạm hành chính 320 triệu đồng do chưa có giấy phép môi trường theo quy định xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn có địa chỉ tại số 125 Lê Lợi, phường Bến Thành, Quận 1, có quy mô 250 giường bệnh lưu trú đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp và đi vào hoạt động từ năm 2021, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có giấy phép môi trường theo quy định.
Qua rà soát hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện bệnh viện đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải công suất thiết kế 250m3/ngày đêm từ tháng 8 năm 2010 nhưng không có giấy phép xả thải vào nguồn nước do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Như vậy, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn đã vi phạm điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường: “Không có giấy phép môi trường theo quy định đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh”. Mức vi phạm này có khung phạt tiền từ 300 triệu đến 340 triệu đồng.
Tuy nhiên, do mức xử phạt ở khung cao nhất vượt thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nên đơn vị này kiến nghị Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn với mức phạt là 320 triệu đồng.
An Nguyên