Nguy cơ dị ứng khi ăn dọc mùng sai cách

(VietQ.vn) - Dọc mùng là nguyên liệu nấu ăn dân dã với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, một số người không nên ăn món này vì có thể gây ra nhiều tác hại.
Nguy cơ bị gout, sưng khớp do ăn dọc mùng nấu canh chua
Ăn dọc mùng làm không sạch vỏ gần 200 công nhân nhập viện khẩn
Mẹo chế biến dọc mùng không bị ngứa
Dọc mùng là một loại rau gia vị quen thuộc thường được sử dụng trong những món canh chua. Theo đánh giá của các chuyên gia Đông y, dọc mùng vị nhạt, tính mát, chứa lượng chất xơ cao nên có tác dụng ngăn ngừa cholesterol. Cả thân và lá của dọc mùng đều có thể dùng để trị tiêu đờm, tiêu ứ, giảm khó thở, trừ giun... Tuy nhiên, dọc mùng hơi độc, nếu không được chế biến và dùng đúng cách sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt không phải đối tượng nào cũng có thể sử dụng.

Người bệnh gout và viêm khớp
Theo phân tích của các chuyên gia, dọc mùng là loại rau có chứa thành phần purin cao. Nếu ăn chất này quá nhiều sẽ làm tăng acid uric trong máu là nguyên nhân gây bệnh gout và làm bệnh gout nặng hơn.
Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy, người thường xuyên ăn canh chua dọc mùng có lượng acid uric trong máu cao. Những người ăn canh chua không có dọc mùng tỉ lệ tăng acid uric trong máu chỉ khoảng 15%. Thế nên dù được xác định là loại cây có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe thì người bệnh gout vẫn nên tránh xa.
Người có cơ địa dị ứng
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Da Liễu Trung ương khuyến cáo rằng, những người mang cơ địa dị ứng, mang gen đặc biệt thì nên tránh ăn rau dọc mùng vì có thể dẫn tới sốc phản vệ, nhẹ thì gây mẩn ngứa, nặng thì tắc phế quản, ngạt thở, giãn mạch máu dẫn đến trụy tim mạch và có thể gây tử vong.
Triệu chứng của dị ứng dọc mùng thường có dấu hiệu ngứa miệng, phát ban, sưng môi, lưỡi, khó thở... Trường hợp nặng sẽ là phù nề đường hô hấp, sưng họng, mất ý thức... bệnh cần được phát hiện xử trí kịp thời, nhanh chóng trước khi ảnh hưởng đến tính mạng.
Ăn dọc mùng khi chưa sơ chế và chế biến kỹ sẽ gây ngứa
Khi sơ chế dọc mùng (bóp muối) nhiều người bị ngứa tay. Thậm chí, dọc mùng sau khi chế biến như nấu canh chua cũng gây ngứa miệng người ăn. Nguyên nhân là do dọc mùng thuộc họ Ráy, chứa hàm lượng sapotoxin gây nên các triệu chứng tê môi, lưỡi và cứng hàm. Loại độc tố này chỉ có thể mất hoặc giảm đi khi được nấu thật chín.
Một số cách xử lý nếu bị ngứa khi ăn dọc mùng
Với các trường hợp dị ứng nặng, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời. Còn đối với các trường hợp bị ngứa nhẹ cần xử lý bằng cách uống nhiều nước bởi nước giúp làm sạch họng do các chất gây ngứa bám vào, giảm triệu chứng ngứa mà bạn đang gặp phải.
Ngoài ra cũng có thể súc miệng và họng nhiều lần bằng nước muối ấm. Uống thuốc chống dị ứng như thuốc kháng histamin (loratadin, desloratadin,...) để tình trạng ổn định hơn.
Thu Phương (T/h)