Nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm?

author 17:48 07/07/2019

(VietQ.vn) - Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 32,41% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ (33,85%).

Theo thông tin công bố mới đây từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 32,41% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ (33,85%). Trong đó, có 06 bộ, ngành và 13 địa phương có số giải ngân đạt trên 50%. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có 35 Bộ, ngành và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%; trong đó 15 Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%.

Ảnh minh họa. 

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành và kết quả kiểm tra tình hình thực tế tại các địa phương cho thấy nguyên nhân giải ngân 6 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ là do những tháng đầu năm các bộ, ngành và địa phương tập trung giải ngân vốn kế hoạch năm 2018 kéo dài sang năm 2019, bao gồm cả vốn nước ngoài; đặc thù của năm 2018 so với các năm trước là theo quy định tại Nghị định số 120/2018/NĐ-CP của Chính phủ, phần vốn nước ngoài năm 2018 đã được Chính phủ nhận nợ được kéo dài giải ngân sang năm 2019.

Việc giao vốn kế hoạch năm 2019 còn chậm so với các năm trước ở cả cấp trung ương và địa phương. Riêng các chương trình mục tiêu quốc gia mới giao tổng số vốn cho các đơn vị cấp dưới và vốn thực hiện dự án chuyển tiếp, hoàn thành, các địa phương chưa giao chi tiết danh mục dự án khởi công mới cho các đơn vị triển khai.

Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, năng lực nhà thầu hạn chế, thủ tục điều chỉnh, gia hạn Hiệp định vốn nước ngoài chậm.

Nguyên nhân khác nữa là khó khăn trong công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương để đủ điều kiện bố trí vốn trong kế hoạch năm 2019 do quy định tại Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 phải có quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và dự toán chuẩn bị đầu tư của cấp có thẩm quyền quyết định trước ngày 31 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch.

Mức áp dụng chỉ định thầu xây lắp và tư vấn hiện nay quá thấp, chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại một số địa phương.

Ngoài ra, một số bộ, ngành và địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc chỉ đạo chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, chưa tích cực trong việc hoàn chỉnh các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng thanh toán đối với các dự án theo quy định.

Trước đó, tại tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua đã có chuyển biến nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với các dự án lớn giải ngân chậm; yêu cầu người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm, chỉ đạo tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Tập trung chấn chỉnh công tác đấu thầu, thực hiện nghiêm quy định về đấu thầu, mua sắm công qua mạng; đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công, thanh quyết toán công trình.

Điều chỉnh kế hoạch từ các bộ ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm sang nơi thực sự có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến nhưng còn nhiều ‘điểm nghẽn’(VietQ.vn) - Một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp; chưa thực sự chủ động, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ; còn chậm chễ trong thực hiện quy trình, thủ tục, đấu thầu, triển khai và kiểm tra, giám sát thực hiện. Đồng thời vẫn còn nhiều chồng chéo, bất cập về thể chế, quy định pháp luật trong đầu tư công.

Thanh Minh

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang