Nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, chuẩn bị nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon
Sự kiện: DẤU CHÂN CARBON
Cảnh báo tử vong do sốt xuất huyết
Bộ Tài chính cảnh báo website giả mạo
Cảnh báo nguy hiểm khi dùng thuốc nam điều trị suy thận
Hiện Việt Nam nằm trong danh sách quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới. Với thiện chí là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đưa ra cam kết mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó nhấn mạnh chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 và chấm dứt sản xuất điện than vào năm 2040.
Chiến lược Net Zero 2050 được xem như một trọng tâm phát triển của Việt Nam, trong bối cảnh hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng trên toàn cầu. Ngoài ra, thời tiết cực đoan thường xuyên và nghiêm trọng, bao gồm bão, hạn hán, lũ lụt.. ảnh hưởng tới các lĩnh vực nông, lâm, công nghiệp. Nếu không quan tâm đến tín chỉ carbon, thì sự ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng sống của con người, và cũng ảnh hưởng tiêu cực lên hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, gây mất đa dạng sinh học.
Vào năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon vốn giàu tiềm năng.
Hiện, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về thị trường tín chỉ carbon. Song song với đó, việc tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác này cũng được nhiều bên liên quan đặt vấn đề tìm hiểu.
Theo Ông Đặng Thanh Long - Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững Intertek Việt Nam, chuyên gia năng suất xanh của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) đưa vào là một quy định để đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050. Cơ chế này có tác động đến các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam có hoạt động phát thải nhiều carbon.
Đáng chú ý, CBAM áp mức giá carbon lên hàng hóa nhập khẩu có lượng phát thải cao (bao gồm xi măng, nhôm, sắt thép, phân bón, hydro và điện). Quy định này hướng đến mục tiêu ngăn ngừa “rò rỉ carbon” và duy trì tính cạnh tranh của các ngành công nghiệpEU đang chịu phí carbon theo hệ thống mua bán phát thải (ETS).
Ông Đặng Thanh Long cũng cho biết, 6 loại hàng hóa trên liên quan đến hơn 10.000 doanh nghiệp, là đầu vào trong ba lĩnh vực lớn là năng lượng, công nghiệp và hàng không tham gia thị trường EU theo hệ thống mua bán phát thải (ETS). Thời gian thực hiện ETS được áp dụng từ 2005, theo đó, doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp tại châu Âu bắt buộc phải trả tiền cho mỗi tấn carbon xả thải ra môi trường.
Ảnh minh họa
Đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, ông Đặng Thanh Long cho rằng, xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.
Theo ông Long, khi Việt Nam có thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp đã trả phí carbon tại Việt Nam nếu xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu sẽ được khấu trừ. Như vậy, nếu thị trường carbon vận hành muộn, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt. Do đó, các nhà sản xuất ở nước thứ 3 cần tính toán lượng phát thải “nhúng” trong lượng hàng hóa xuất khẩu gồm phát thải trực tiếp và gián tiếp. Việc chủ động thực hiện các biện pháp tuân thủ rất cần thiết. “Năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ cacbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). Đây là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon vốn giàu tiềm năng” - ông Đặng Thanh Long nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Trung Đông – Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNN) cho rằng, mặc dù tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam rất lớn, nhưng hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, cần có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng đúng quy định của từng thị trường. Khai thác có hiệu quả năng lực giảm phát thải hay hấp thụ của từng loại cây, đưa ra các quyết định quản lý nhà nước đúng với định hướng của ngành, lĩnh vực về giảm phát thải.
Ông Cao Tung Sơn – Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cho biết, trước xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực giảm phát thải carbon đang ngày càng cấp thiết. Để đạt được những mục tiêu tham vọng về giảm khí thải và phát triển bền vững, TP.HCM cần những chuyên gia ở các lĩnh vực như: đánh giá và báo cáo phát thải, quản lý năng lượng, công nghệ giảm phát thải, tài chính xanh; chính sách và pháp luật…
Theo ông Sơn, TP.HCM đang chịu ảnh hưởng từ BĐKH như nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, ngập lụt, nước biển dâng… Thêm vào đó, thành phố cũng cần giải quyết những thách thức như đòi hỏi nguồn lực lớn cả về tài chính, công nghệ và nhân lực để thực hiện các mục tiêu Kế hoạch hành động và phát thải carbon thấp.
Như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát thải carbon thấp là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược. “Bằng việc đầu tư vào nguồn nhân lực, chúng ta không chỉ góp phần giảm phát thải carbon mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững”, ông Sơn nói.
Liên quan đến công tác đào tạo nguồn lực về tín chỉ carbon, TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn cho hay: Nhà trường đã liên kết với một số đơn vị để đào tạo nguồn nhân lực về tín chỉ carbon. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn tương đối khiêm tốn. Vấn đề này xuất phát từ việc Việt Nam mới tham gia vào tín chỉ carbon, các nguồn lực, công nghệ liên quan đa số phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế.
TS. Trần Minh Hải cũng cho rằng, hiện nhu cầu về tín chỉ carbon rất lớn, chúng ta mới chỉ đáp ứng được một phần. Đặc biệt, một số tổ chức, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa cũng có nhu cầu tiếp xúc với thị trường tín chỉ carbon. Nhưng chi phí đào tạo, cũng như khả năng cung cấp tại chỗ hạn chế. Điều này đặt ra áp lực không nhỏ cho những cơ sở, viện nghiên cứu khoa học công lập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hướng tới trung hòa giảm phát thải vào năm 2050, theo cam kết tại COP26.
“Chính vì vậy, cần có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng đúng quy định của từng thị trường, khai thác có hiệu quả năng lực giảm phát thải hay hấp thụ của từng loại cây, đưa ra các quyết định quản lý nhà nước đúng với định hướng của ngành, lĩnh vực về giảm phát thải” - TS. Trần Minh Hải nói.
Khánh Mai (t/h)