Cảnh báo tử vong do sốt xuất huyết
Số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà lại gia tăng
Nguy kịch khi sử dụng paracetamol hạ sốt quá liều
Theo người nhà bệnh nhân, ngày 10/08, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục, mệt nhiều và được người nhà cho uống thuốc hạ sốt nhưng bệnh không đỡ nên được đưa vào Bệnh viện Nhi Đức Tâm điều trị.
Ngày 14/08, bệnh nhân diễn biến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên điều trị với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 4, rối loạn đông máu, viêm họng, rối loạn tiêu hóa, dư cân. Bệnh tiếp tục diễn biến nặng và bệnh nhân tử vong lúc 13 giờ 30 phút ngày 15/08 với chẩn đoán tử vong: Sốc sốt xuất huyết Dengue nặng cuối ngày thứ 5 tái sốc lần 1 có suy đa tạng nặng/thừa cân.
Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết.
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp tử vong, CDC tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp Trung tâm Y tế TP.Buôn Ma Thuột triển khai các biện pháp điều tra, xử lý vệ sinh môi trường, điều tra véc-tơ truyền bệnh.
Kết quả điều tra véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết ghi nhận sự hiện diện của muỗi Aedes Aegypti. Ngành y tế đã phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại khu vực ghi nhận ca bệnh. Đồng thời, truyền thông cho người dân các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Theo CDC Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến ngày 15/08, toàn tỉnh ghi nhận 1.453 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ký công điện đề nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè năm 2024 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Tại công điện, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, hiện nay một số dịch bệnh lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đang có xu hướng gia tăng, đồng thời cũng ghi nhận rải rác các trường hợp mắc một số bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc-xin như ho gà, bạch hầu...
Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè năm 2024, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ ngành y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong giai đoạn mùa hè.
Chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, đơn vị về công tác - phòng, chống dịch trên địa bàn.
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và cơ sở y tế; cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi và khuyến khích việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.
Tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt loăng quăng/ bọ gậy" tại hộ gia đình; thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…;
Cũng tại công điện, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, đảm bảo sẵn sàng thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Cẩm Anh