Nhập lậu gần 300 sản phẩm đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc

author 15:36 14/09/2021

(VietQ.vn) - Trong công tác tăng cường quản lý cơ sở kinh doanh dịp tết Trung thu lực lượng QLTT tỉnh Nam Định đã phát hiện và thu giữ nhiều đồ chơi không rõ nguồn gốc.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nam Định, thực hiện sự chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2021, Đội QLTT số 1 đã chủ động, tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, xác minh hành vi vi phạm và đã phát hiện Cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em “Huyền Cúc” tại địa chỉ: Kict 579 Chợ Mỹ Tho, Phường Bà Triệu, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định kinh doanh đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có tem hợp quy.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện gần 300 sản phẩm là đồ chơi trẻ em các các loại (bộ đồ chơi siêu nhân người nhện, bộ đồ chơi Ninja logo, bộ đồ chơi ô tô chạy pin...).

Nhiều đồ chơi nhập lậu bị phát hiện. Ảnh: Cục QLTT Nam Định 

Bà Trần Thị Thu Huyền, sinh năm 1979, thường trú tại Phường Trần Tế Xương, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định là chủ cơ sở - chủ sở hữu hàng hóa không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa nói trên.

Cũng theo ghi nhận của lực lượng chức năng, toàn bộ hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên bao bì hàng hóa có cụm từ “Made in China”, không có tem hợp quy, có dấu hiệu kinh doanh hàng nhập lậu. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để xác minh làm rõ hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình kiểm tra của đoàn có sự chứng kiến của Ban Quản lý chợ thành phố Nam Định. Thông qua công tác kiểm tra Đoàn kiểm tra đã phổ biến, tuyên truyền tới chủ hộ kinh doanh, Ban Quản lý chợ và nhân dân về tác hại của việc kinh doanh đồ chơi nhập lậu vừa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của cha ông, làm mai một đi bản sắc văn hóa truyền thống.

Với việc triển khai kịp thời, quyết liệt kiểm tra thị trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của các tổ chức, cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em dịp Tết Trung thu năm 2021 Đội QLTT số 1 tỉnh Nam Định đã góp phần ổn định thị trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cơ sở kinh doanh chân chính; bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng; đảm bảo Tết Trung thu an toàn và để Tết Trung thu luôn là phần ký ức đẹp nhất của tuổi thơ .

Tiêu chuẩn đồ chơi trẻ em an toàn tại Việt Nam

Tiêu chuẩn về an toàn đồ chơi trẻ em ở Việt Nam được Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng biên soạn dựa trên cơ sở tham chiếu các tiêu chuẩn của châu Âu và Quốc tế: ISO 8124-1,2,3 và EN 71-1,2,3... và được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, bao gồm 6 bộ tiêu chuẩn sau:

- TCVN 6238-1:2008: An toàn đồ chơi trẻ em - Các khía cạnh an toàn liên quan đến tính chất cơ lý.

- TCVN 6238-2:2008: An toàn đồ chơi trẻ em - Yêu cầu chống cháy.

- TCVN 6238-3:2008: An toàn đồ chơi trẻ em - Mức giới hạn xâm nhập của các độc tố.

- TCVN 6238-4:1997: An toàn đồ chơi trẻ em - Bộ đồ chơi thực nghiệm về hóa học và các hoạt động liên quan.

- TCVN 6238-5:1997: An toàn đồ chơi trẻ em - Bộ đồ chơi hóa học ngoài bộ đồ chơi thực nghiệm.

- TCVN 6238-6:1997: An toàn đồ chơi trẻ em -Yêu cầu về biểu tượng cảnh báo tuổi trẻ em không được sử dụng.

Trong đó, tiêu chuẩn TCVN 6238-1 là được sử dụng rộng rãi và thường xuyên nhất. Gần như tất cả các sản phẩm đồ chơi trẻ em đều được quy định trong tiêu chuẩn này.

Thông thường, sản phẩm đồ chơi trẻ em sẽ được phân loại theo nhóm tuổi, từ đó kỹ thuật viên sẽ chọn các chế độ kiểm tra thíc hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Ví dụ như sản phẩm đồ chơi trẻ em dưới 18 tháng tuổi sẽ được kiểm tra khắt khe hơn đồ chơi cho trẻ em trên 3 tuổi.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang