Hiểm họa khôn lường từ đồ chơi ná cao su

author 18:38 11/09/2021

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện loại đồ chơi trẻ em là các loại ná thun, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Gần đây, thị trường đồ chơi trẻ em xuất hiện nhiều loại có liên quan đến bạo lực và đặc biệt mang tính sát thương cao. Mặc dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo, truy quét đồng thời cấm sản xuất cũng như nhập khẩu mặt hàng này, nhưng vì lợi nhuận, một số cơ sở sản xuất và thương buôn vẫn lén lút tung ra thị trường, gây nhiều hậu quả đau lòng.

Cụ thể, các loại ná cao su quảng cáo và rao bán trên mạng thông qua Facebook, trang thương mại điện tử… kèm theo hình ảnh hoặc những đoạn clip bắn gây sát thương để thu hút người tiêu dùng. Thực tế bắn ná là trò chơi dân gian của trẻ em ngày xưa để săn bắn chim hoặc thi thố tài năng "bách phát bách trúng", bằng cách tự chế từ những cành cây có chạng ba làm khung, dây thun được thắt lại làm lực kéo và dùng sỏi cuội làm đạn.

Đồ chơi ná cao su vô cùng nguy hiểm, cần tránh cho trẻ dùng. Ảnh minh họa 

Ngày nay, ná cao su được một số nơi sản xuất bán với khung làm bằng kim loại cứng, dây cao su có lực căng mạnh và đạn bằng bi sắt nên tính sát thương rất cao, có thể gây thương tích nặng dù ở cự ly xa vài chục mét. Thậm chí, một số ná cao su còn gắn thêm đèn ngắm tia laser để ngắm bắn chính xác hơn.

Các loại ná cao su này hiện quảng cáo và rao bán trên mạng thông qua Facebook, trang thương mại điện tử… kèm theo hình ảnh hoặc những đoạn clip bắn gây sát thương để thu hút người tiêu dùng. Với kiểu ná này, việc bắn chim sẽ chính xác không thua gì các loại súng săn. 

Để giúp người chơi bắn được chính xác mục tiêu, ná thun (sử dụng bi sắt hoặc bi cao su) được chế tạo khá công phu với khe ngắm, có bộ phận chứa chất lỏng để điều chỉnh độ cân bằng. Nhiều người sử dụng ná thun không chỉ để bắn chim giải trí mà còn sử dụng vào những mục đích xấu gây tổn hại thân thể, sức khỏe người khác.

Đối tượng buôn bán các loại đồ chơi nguy hiểm này hoạt động rất tinh vi, không lưu địa chỉ cụ thể, quảng cáo (QC) trên các website mua hàng đều là địa chỉ "ma", mọi giao dịch hầu hết thực hiện online. Ngoài bán ná, họ còn bán kèm "bi sắt" đựng trong bịch nylon khoảng 100 viên/bịch, dây cao su đủ màu với lực đàn hồi rất mạnh. 

Đến thời điểm này, ná cao su vẫn chưa được xem là loại vũ khí nguy hiểm nên việc sản xuất, mua bán, sử dụng không bị ngăn cấm, xử lý. Tuy nhiên, trước những hiểm họa có thể xảy ra, cần nhanh chóng đưa loại đồ chơi này vào danh mục cấm sản xuất, mua bán, hạn chế sử dụng.

Ngoài ra, hiện trên thị trường xuất hiện một số đồ chơi không nằm trong danh mục cấm nhưng tính sát thương cao, trong đó phải kể đến ống phóng phi tiêu liên hoàn, làm chủ yếu bằng ống nhựa, khi hoàn thành có thể "thổi" chết con chim bồ câu cách xa hơn 10m. Mũi phi tiêu được làm chủ yếu bằng tre vót nhọn đầu gắn lưỡi dao sắc.

Riêng đối với dân chơi có tiền thì những loại cung tên nhập khẩu là món đồ chơi ưa thích, giá mỗi cây cung và tên dao động từ 10 - 20 triệu đồng tùy loại. Để nhập được các sản phẩm này về, nhà nhập khẩu cần có một số giấy phép nhất định, nhưng cũng có một số trường hợp nhập chui. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TPHCM cảnh báo: "Gần đây, hiện tượng mua bán mặt hàng vũ khí thô sơ có tính sát thương cao trên mạng (như dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu...) đang tràn lan gây nguy hiểm cho xã hội, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đặc biệt là đối với trẻ em”.

QCVN 3:2019/BKHCN QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN ĐỒ CHƠI TRẺ EM

Đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của quy chuẩn kỹ thuật này phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.

Đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước phải thực hiện việc công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và các phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (sau đây viết tắt là Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN) và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN)

Đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN (sau đây viết tắt là Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN)

Việc công bố hợp quy đồ chơi trẻ em phải dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (sau đây viết tắt là Nghị định số 107/2016/NĐ-CP), Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành (sau đây viết tắt là Nghị định số 154/2018/NĐ-CP) hoặc được thừa nhận theo quy định của Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN ngày 31/10/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các Hiệp định và thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp (sau đây viết tắt là Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN).

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang