Nhập nhèm rau sạch trong BigC, Ocean Mart: "Chỉ biết tới lợi nhuận"

author 12:08 08/01/2014

(VietQ.vn) - “Trong câu chuyện nhập nhèm bán rau sạch, rau bẩn, nếu các siêu thị phải rút kinh nghiệm thì cơ quan chức năng quản lý cần rút kinh nghiệm gấp đôi…”

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội bày tỏ quan điểm về quản lý mặt hàng rau sạch trên thị trường hiện nay.

Mới đây, trong cuộc kiểm tra đột xuất hai siêu thị Big C và Ocean Mart, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm của TP. Hà Nội phát hiện nhiều loại rau củ quả không có nhãn mác, không ghi nguồn gốc xuất xứ và nhà sản xuất.

Trước đó, báo chí cũng đã đưa thông tin rau củ từ Trung Quốc được dán mác rau an toàn tại siêu thị Le’s Mart, Minh Hoa, Citimart,… Theo đó, phần lớn các mặt hàng “rau an toàn” tại các siêu thị đều là những rau củ quả không rõ nguồn gốc, được nhà phân phối mang về đóng gói, dán tem giả làm rau củ quả được trồng tại xã Vân Nội. Trả lời báo chí, ông Trần Văn Mây, chủ nhiệm HTX rau sạch Vân Nội đã thừa nhận có một số hộ gia đình vì ham lợi mà đã trà trộn các sản phẩm rau củ quả Trung Quốc rau an toàn do mình sản xuất rồi bán đi các nơi.

Nhiều loại rau trong siêu thị không nhãn mác, cũng không được đóng gói niêm phong... (ảnh minh họa)

Trước thực trạng trên, Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, khẳng định, việc siêu thị nhập hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là sai phạm rõ ràng. Ngay cả khi rau đã được đóng gói, bó dây mà không được niêm phong thì cũng vẫn là vi phạm, chứ chưa nói đến việc bày bán rau củ hỗn độn hiện nay tại các siêu thị.

“Trong siêu thị ở nước ngoài, rau phải được đóng túi, niêm phong với nhãn mác đàng hoàng, chỉ cần hở một chút là không ai mua. Còn ở ta, không có gì để xác minh về chất lượng, rau thì để lổn nhổn lẫn lộn, người tiêu dùng mua thì cứ mua vậy chứ thực chất vẫn không hề an tâm ”, ông Phú nói.

Theo ông Phú, một khi nhà kinh doanh chỉ biết tới lợi nhuận, kinh doanh tùy tiện bởi quản trị doanh nghiệp kém tất yếu sẽ đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên cũng không thể không kể tới trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về rau sạch, một mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân.

“Lâu nay quản lý chất lượng mới chỉ dừng ở khâu bán lẻ, còn khâu sản xuất, trồng trọt, đóng gói trước khi lưu thông thì lại hoàn toàn bị bỏ ngỏ. ”, vị chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội bày tỏ. Lấy thương hiệu rau Vân Nội làm thí dụ, ông Phú phân tích mặc dù đây là vùng được TP. Hà Nội “đặt hàng” trồng rau sạch nhưng nếu áp vào kinh nghiệm tổ chức thương mại hiện đại trên thế giới thì cả quá trình sản xuất, tiêu thụ, của mặt hàng này, không khâu nào đạt yêu cầu.

“ Từ khâu kiểm soát quy trình sản xuất, tới đóng gói, niêm phong, xuất ra thị trường…theo tiêu chuẩn đều phải có tổ chức, cá nhân cụ thể đứng ra xác nhận và chịu trách nhiệm về chất lượng. Đằng này chúng ta lại cứ gắn mác rau Vân Nội chung chung để khi quy trách nhiệm thì thuộc về tập thể cuối cùng sẽ chẳng ai bị xử lý. ”

Theo ông Phú, trong câu chuyện nhập nhèm rau sạch, rau bẩn, nếu các siêu thị phải rút kinh nghiệm thì cơ quan chức năng quản lý cần rút kinh nghiệm gấp đôi. “Nếu cứ duy trì tình trạng quản lý từ ngọn theo kiểu nửa nạc nửa mỡ như thế thì tới 10 năm sau, câu chuyện rau sạch-bẩn ở Hà Nội cũng không có gì thay đổi”

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang