Nhiều cơ hội cho Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Việt Nam cần tận dụng và phát huy tiềm năng trong quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng của Mỹ
Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, mở rộng thị trường, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm chíp bán dẫn. Ảnh minh họa.
Hiện nay, sản xuất đang là một trong những ngành nghề trọng điểm trong chiến lược phát triển của Chính phủ. Tuy nhiên, ngành sản xuất đang chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu hoặc vào giai đoạn cuối của quy trình sản xuất, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp. Bởi vậy, ngành sản xuất cần nhanh chóng nâng cao năng lực, chuyển đổi sang giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn.
Chuyển đổi sang giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ nâng cao năng lực của đất nước mà còn mở ra nhiều cơ hội tiềm năng để phát triển. Trong đó, lợi ích chính đạt được là tỷ suất lợi nhuận cao hơn đến từ các sản phẩm và công đoạn sản xuất phức tạp hơn với ứng dụng công nghệ cao, năng lực sản xuất và quản lý cao. Đồng thời, xuất hiện nhiều cơ hội kinh doanh mới với việc tăng trưởng và mở rộng khả năng thâm nhập thị trường.
Mới đây, chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam đã mở ra cơ hội rất lớn cho các ngành nghề mới, có thể giúp chuyển đổi nền kinh tế nước ta, tham gia sâu hơn, cao hơn vào chuỗi giá trị của thế giới trong tương lai.
Cụ thể, tại họp báo thường kỳ Bộ Khoa học Công nghệ (9/10/2023), ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật cho biết: Hợp tác phát triển chíp bán dẫn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các nước thời gian vừa qua cho thấy cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm này.
Cũng theo ông Hùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều cơ chế chính sách liên quan đến phát triển chíp bán dẫn và đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thu hút chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục ưu tiên triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia liên quan đến chíp bán dẫn.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai chương trình sản phẩm quốc gia đối với chip bán dẫn. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng các chính sách về đầu tư và hỗ trợ những trang thiết bị cho việc đo lường, kiểm định các sản phẩm chíp bán dẫn đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 đáp ứng nhu cầu đo lường của các doanh nghiệp thiết kế, chế tạo chíp bán dẫn trong cả nước.
Đánh giá chung về cơ hội chuyển đổi nền kinh tế ở chuỗi giá trị cao hơn của nước ta, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng của các ngành công nghệ cao như sản xuất chíp bán dẫn hay các ngành công nghệ số, không thể xảy ra riêng lẻ, một mình Việt Nam được. Chúng ta phải có sự hội nhập sâu rộng với các chuỗi cung ứng của toàn cầu.
"Trước khi xác định nhảy cóc hay đi tắt, đón đầu các ngành công nghiệp của tương lai, Việt Nam cần phải đảm bảo có một hệ sinh thái được xây dựng không chỉ đối với khuôn khổ khu vực công mà còn cả khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân", Shantanu Chakraborty nói.
Cụ thể, điểm đầu tiên chúng ta cần phải làm liên quan đến việc cải cách, phải có chính sách về tín dụng cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Hiện nay, phần lớn những ưu đãi là cho các ngành như sản xuất nông hộ hay lĩnh vực kinh doanh nông hộ. Do đó, cần phải có những khoản tín dụng lớn hơn cho các ngành công nghệ chế tạo, các ngành công nghiệp mới.
Mặt khác, chúng ta đã nói rất nhiều đến xanh hóa, xanh hóa nền kinh tế, xanh hóa nguồn năng lượng và chuyển đổi cũng như cải cách các hệ thống chuyển tải năng lượng. Đặc biệt, năng lượng tái tạo hiện nay có sự tham gia rất mạnh của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính đến khả năng hấp thụ nguồn năng lượng mới, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo này.
Nhìn chung, cần tập trung vào việc xanh hóa nền kinh tế, đặc biệt là xanh hóa nguồn năng lượng và xây dựng hệ sinh thái cho các ngành công nghệ cao. Đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng, nguồn tín dụng lớn, linh hoạt đối với các doanh nghiệp để chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và bền vững trong thời gian tới.
Mai Phương