Nhựa Tiền Phong: Khẳng định vị thế dẫn đầu ngành nhựa

author 01:16 07/06/2012

(VietQ.vn) - Năm 2011 qua đi với nhiều khó khăn, thách thức, thế nhưng trong khó khăn ấy vẫn có không ít doanh nghiệp (DN) vượt lên chính mình, vượt qua mọi thách thức để khẳng định vị thế dẫn đầu, tăng trưởng ngoạn mục, Nhựa Tiền Phong là trường hợp điển hình.

Đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đón bắt cơ hội đầu tư

Đầu năm 2012, Nhựa Tiền Phong đã được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng Chất lượng Quốc Gia năm 2011. Phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bá Phúc - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty.

Thống kê cho thấy, có tới hơn 400 DN ngành nhựa đóng cửa vì gặp nhiều khó khăn, ông nghĩ gì về điều này?

Mô tả ảnh.
Ông Trần Bá Phúc - Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựa Tiền Phong

Đó mới chỉ là con số thống kê được, còn trên thực tế, số DN đã ngừng hoặc chỉ hoạt động cầm chừng còn nhiều hơn. Do đa phần DN ngành nhựa có quy mô nhỏ và vừa, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu (khoảng 85%), nên khi giá nguyên liệu, lãi suất tăng cao… đã khiến DN phải oằn mình chống đỡ. Ngay cả DN lớn như Nhựa Tiền phong thời gian vừa qua cũng phải căng sức ra "chiến đấu" và kết quả đạt được là vẫn giữ vững đà tăng trưởng,

Cụ thể, năm 2010, Công ty đạt tổng doanh thu 1940 tỷ tăng 30% so với năm 2009. Năm 2011, mặc dù bước vào kế hoạch sản xuất kinh doanh với nhiều khó khăn do những ảnh hưởng của biến động tỷ giá, nguồn cung nguyên liệu nhựa bị hạn chế… “Nhựa Tiền Phong” vẫn khẳng định được thương hiệu trên thị trường và đạt kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra năm 2011 với mức tăng trưởng 10%; riêng chỉ tiêu lợi nhuận tăng từ 2 – 3%, tổng doanh thu đạt 2.130 tỷ đồng và sản lượng sản phẩm đạt 58,2 nghìn tấn.

Cũng trong thời gian qua, khi Ngân hàng Nhà nước có biện pháp mạnh để hạ nhiệt lãi suất, đưa lãi vay ngắn hạn về mức từ 17-19%/ năm, tạo thuận lợi cho các DN sản xuất, trong đó có các DN nhựa. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, chỉ có khoảng 50% DN đang sản xuất có thể chấp nhận được mức lãi suất này. Vì số DN đạt tỉ suất lợi nhuận trên 20% vốn… không nhiều. Mặt khác, DN thực sản xuất thì khó có mức lợi nhuận cao thế. Chưa kể, việc hạ lãi vay chỉ thực hiện được trong thời gian đầu, sau đó, tôi e rằng là khó vì khi đến kỳ đáo hạn vay và cuối năm, nhu cầu vay vốn tiền đồng và mua ngoại tệ luôn tăng mạnh.

Vì sao trong lúc nguồn vốn khó khăn, sức mua chững lại, Nhựa Tiền Phong lại đầu tư mạnh cho dây chuyền sản xuất hiện đại. Liệu có mạo hiểm quá không, thưa ông?

Cách đây 1-2 năm, không có doanh nghiệp Việt Nam nào cung cấp được ống nhựa kĩ thuật kích thước lớn trên 600mm cho các công trình xây dựng, mà phải nhập khẩu. Do đó, chúng tôi thấy cần phải có bước chuẩn bị để đón bắt cơ hội đầu tư.

Vừa qua, công ty đã lắp đặt và đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất ống HDPE 1.200mm, trị giá 1,6 triệu EUR. Việc đầu tư này nằm trong kế hoạch từ những năm trước. Cuối năm nay, công ty sẽ tiếp tục đưa về dây chuyền sản xuất ống UPVC 800m, trị giá hơn 1 triệu USD. Hai dây chuyền này đều được đầu tư bằng vốn tự có. Trước mắt, chưa có nhiều dự án cần ống kích thước lớn nhưng đây là sự đầu tư cho tương lai.

Mỗi năm, công ty đầu tư trên 100 tỷ đồng cho máy móc thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Để có vị thế dẫn đầu, được vinh danh là DN đạt giải vàng của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, các cam kết về chất lượng trong sản xuất được doanh nghiệp thực hiện thế nào, thưa ông?

Điều này xuất phát từ mục tiêu “Chất lượng là trên hết và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng” của doanh nghiệp. Thời gian qua, Nhựa Tiền Phong cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao và công ty là DN đầu tiên của ngành Nhựa mời bên thứ ba là Trung tâm Chứng nhận phù hợp QUACERT chứng nhận sản phẩm ống nhựa của công ty phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế từ năm 2006 đến nay, như: ống nhựa U.PVC phù hợp với tiêu chuẩn ISO 4422-1996; ống nhựa HDPE80; HDPE100 phù hợp với tiêu chuẩn ISO 4427-2007; ống nhựa PPR phù hợp với tiêu chuẩn DIN 8078-1996…

Mặc dù mức độ cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt và sự biến động liên tục về thị trường dầu mỏ trên thế giới, nhưng sản phẩm “Nhựa Tiền phong” vẫn có sức tiêu thụ lớn trên thị trường, đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, không chỉ cho các công trình dân dụng mà còn cho các công trình, dự án lớn có yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm.

Việc kiên trì tuân thủ mục tiêu chất lượng đã minh chứng chiến lược kinh doanh do lãnh đạo công ty vạch ra là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện trong bảng số liệu cơ cấu sản lượng sản phẩm tiêu thụ, cơ cấu doanh thu sản phẩm tiêu thụ liên tục tăng trong những năm qua và toàn thể cán bộ công nhân viên công ty đã phải nỗ lực phấn đấu để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm Nhựa Tiền Phong.

Chất lượng là trên hết, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng là mục tiêu hàng đầu của Nhựa Tiền phong

Trong năm 2010, công ty cũng đã chuyển đổi thành công Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, đã cải tiến lại toàn bộ hệ thống tài liệu, biểu mẫu, giúp cho quá trình quản lý hệ thống chất lượng thiết thực và hiệu quả hơn. Ngoài ra, nhiều chỉ tiêu chất lượng trong sản xuất, kinh doanh… đã được công ty quán triệt và tuân thủ chặt chẽ; với hệ thống tài liệu gồm 8 quy trình và 13 hướng dẫn được ban hành bao gồm tất cả các quá trình trong doanh nghiệp.

Khi thương hiệu càng có tên tuổi, vị trí trên thị trường hơn, bài toán xây dựng và bảo vệ thương hiệu được Nhựa Tiền Phong thực hiện thế nào thưa ông?

Nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Nhựa Tiền Phong luôn luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng để xứng đáng là thương hiệu hàng đầu của ngành nhựa Việt Nam và dần khẳng định vị trí thương hiệu của mình trên trường quốc tế.

Đặc biệt, với mạng lưới tiêu thụ gồm 6 trung tâm bán hàng trả chậm và gần 300 đại lý bán hàng, sản phẩm Nhựa Tiền phong đã và đang có mặt ở mọi miền trên cả nước. Tại miền Bắc, sản phẩm Nhựa Tiền Phong chiếm 70-80% thị phần ống nhựa. Hiện nay, công ty đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa với 5 nước: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar. Doanh số xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh, riêng doanh số xuất khẩu sang Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào sẽ đạt từ 1.200.000 đến 1.800.000 USD/năm.

Xin cảm ơn ông!

Trần Minh thực hiện

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang