Những bệnh viện nào sẽ tăng viện phí ?

author 17:53 23/07/2014

(VietQ.vn) - Các bệnh viện tăng viện phí ở 14 tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Định, Hậu Giang, An Giang, Hòa Bình, Long An, Đồng Tháp, Hải Phòng...

Bộ Y tế vừa cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay đã có 14 địa phương trình UBND, HĐND điều chỉnh giá dịch vụ y tế như tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Định, Hậu Giang, An Giang, Hòa Bình, Long An, Đồng Tháp, Hải Phòng, Hà Nội…trong đó có một số tỉnh điều chỉnh theo lộ trình, một số tỉnh điều chỉnh do sau quá trình thực hiện, phát hiện thấy giá một số dịch vụ quá bất cập, thấp hơn 60% khung, không thể đủ chi phí thực hiện dịch vụ, một số tỉnh phê duyệt chi tiết giá dịch vụ của một số phẫu thuật, thủ thuật.

Như vậy, bệnh viện của 14 tỉnh trên đã và sẽ tăng viện phí.

Tiếp tục tăng viện phí trong nhiều năm

Việc tăng giá viện phí thực hiện theo lộ trình và không thực hiện điều chỉnh đồng loạt ở tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các địa phương mà có phân chia tiến độ điều chỉnh: năm 2012 chỉ thực hiện điều chỉnh một số bệnh viện trực thuộc các Bộ, ngành trung ương và 45/63 tỉnh, năm 2013 thực hiện điều chỉnh tại 17/63 tỉnh.

Các bệnh viện tăng viện phí, bệnh nhân nghèo sẽ được bảo hiểm y tế chi trả

Các bệnh viện tăng viện phí, bệnh nhân nghèo sẽ được bảo hiểm y tế chi trả. Ảnh: Chí Cường

Các bệnh viện chưa thực hiện điều chỉnh ở mức tối đa ngay, phần lớn các đơn vị, địa phương điều chỉnh giá dịch vụ trong khoảng từ  60-80% mức giá tối đa theo quy định, chỉ có một số bệnh viện đặc biệt, chữa trị người bệnh nặng, hiểm nghèo, triển khai các kỹ thuật cao có mức chi phí (theo 03 yếu tố) lớn được điều chỉnh ở mức trên dưới 90% mức giá tối đa. 

Sau năm 2014, viện phí vẫn còn tăng. Cụ thể là giai đoạn 2015-2016: Giá dịch vụ được tính trên cơ sở các khoản chi phí như năm 2013 và phụ cấp đặc thù, cộng với 30% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền núi, Tây Nguyên và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 50% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến Trung ương và của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại;

Giai đoạn 2017-2018: Giá dịch vụ được tính trên cơ sở: Các khoản chi phí như năm 2013 và phụ cấp đặc thù theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg;tính 100% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 50% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến huyện còn lại; khấu hao tài sản cố định; chi phí gián tiếp, các chi phí hợp pháp khác để vận hành, bảo đảm hoạt động bình thường của bệnh viện.

Giai đoạn từ sau năm 2018 trở đi, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ.

Người nghèo ra sao?

Theo Bộ Y tế, khi tăng viện phí thì với khoảng 70% dân số đã có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) (khoảng trên 63 triệu người), mức tác động không đáng kể.

Người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi (khoảng gần 9 triệu trẻ) được nhà nước mua thẻ BHYT, khi khám, chữa bệnh được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí nên không bị ảnh hưởng.

Cán bộ hưu trí, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng KTXH khó khăn, đặc biệt khó khăn đã được nhà nước bảo đảm kinh phí để mua thẻ BHYT (đến nay 14,1 triệu người thuộc đối tượng này đã được cấp thẻ BHYT, chiếm 17% dân số), được thanh toán 100% khi KCB tại trạm y tế xã, trường hợp phải chuyển tuyến trên còn được thanh toán tiền vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên và được thanh toán 95% nên chỉ phải đóng thêm 5% của số tăng thêm. Đặc biệt từ 01/01/2015, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT; người nghèo được thanh toán 100% khi KCB, người cận nghèo được thanh toán 95%, chỉ phải đồng chi trả 5%.

Các đối tượng có thẻ BHYT khác phải đồng chi trả 20% nên cũng chỉ phải đóng thêm 20% của số tăng thêm.

Người tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại đảo, người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quỹ bảo hiểm y tế chi trả khi điều trị nội trú không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong địa bàn tỉnh và được thanh toán 100%.

Đối với khoảng 30% dân số còn lại (khoảng 27 triệu người) chưa có thẻ BHYT:

Hiện nay phần lớn các đối tượng bị đau ốm, có nhu cầu khám chữa bệnh đã mua thẻ BHYT tự nguyện. Các đối tượng chính sách xã hội cần phải bảo đảm đã có thẻ BHYT. Như vậy, 30% dân số chưa có thẻ BHYT chủ yếu là các đối tượng có mức thu nhập trung bình trở lên có bị ảnh hưởng.

Nhiều người thuộc đối tượng này có khả năng chi trả, nhưng cũng có nhiều trường hợp mắc bệnh nặng, chi phí điều trị lớn sẽ khó có thể chi trả. Vì vậy cần phải tăng cường vận động, tuyên truyền để các đối tượng này tham gia BHYT. Người dân nên tham gia BHYT, thực tế cho thấy nhiều trường hợp người dân không thuộc đối tượng được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT, chỉ bỏ ra khoảng 620.000 đồng/năm để mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán có trường hợp lên đến hàng trăm triệu đồng.

Hỗ trợ người cận nghèo mua bảo hiểm y tế

Bộ Y tế  đã phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 26/6/2012 nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT lên 70% và cho phép các địa phương có điều kiện về ngân sách tăng mức hỗ trợ để người cận nghèo tham gia BHYT. Đến nay một số địa phương như Quảng Nam, Tây Ninh, Kiên Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh… đã quyết định dùng ngân sách địa phương hỗ trợ 30%, Cà Mau, Vĩnh Long, Bạc Liêu… hỗ trợ 20% còn lại.

Vừa qua, Thủ tướng cho phép hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo mới thoát nghèo, người cận nghèo ở huyện khó khăn được hỗ trợ 100% để mua thẻ BHYT.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ phát động, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức quốc tế đóng góp kinh phí để hỗ trợ 30% còn lại để cấp thẻ BHYT cho người cận nghèo; đồng thời sử dụng một phần nguồn hỗ trợ ngân sách của EU để hỗ trợ người cận nghèo ở một số tỉnh có tỷ lệ ban phủ BHYT thấp tham gia BHYT. Triển khai hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình mua thẻ BHYT.

Thùy Linh

 

 




Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang