Làm đẹp siêu tốc ở 'sapa ngõ': Đường tới...bệnh viện!

author 06:38 13/06/2014

(VietQ.vn) - Tại nhiều bệnh viện da liễu trên địa bàn Hà Nội, các bác sĩ thường tiếp nhận bệnh nhân viêm da, dị ứng, mẩn đỏ, bong tróc nặng nề vì bôi kem không rõ nguồn gốc, kem trộn do các tiệm gội đầu, spa tư nhân “tự chế” để tẩy trắng, lột da.

Sau “lột da”, trứng cá đầy mặt

Phòng chờ khám bệnh thuộc Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương một ngày cuối tuần qua khá đông bệnh nhân. Dù trời nồm, khá khó chịu và nóng nhưng tại hàng ghế trước khoa Khám bệnh của BV, một phụ nữ vẫn bịt kín mặt. Lát sau, bác sĩ đọc đến tên Nguyễn Hồng Mai, Cầu Giấy, Hà Nội, người phụ nữ này đứng dậy và vào khám. Do đã hẹn với bác sĩ trước nên tôi theo chị vào phòng. Lúc này, chị Mai mới bỏ khăn che mặt, để lộ khuôn mặt sưng tấy, dày đặc mụn trứng cá. “Nghe lời bạn bè, em đã thử một liệu trình “lột da” mặt tại spa “ngõ” trên đường Thái Thịnh, với giá 200.000 đồng/lần. Nhân viên dùng kem lột đựng trong hộp nhựa nhỏ không nhãn mác có vắt thêm ít chanh rồi bôi lên mặt cho em. Sau đó ủ miếng màng bọc thực phẩm. Khi lột lớp màng bọc này ra, em thấy da mặt có cảm giác đỏ và bỏng rát”, chị Mai chia sẻ với bác sĩ.

Các chị em nên thận trọng khi sử dụng các dịch vụ làm đẹp

Chị Mai thắc mắc về sự khó chịu trên da mặt thì được nhân viên spa giải thích đó là “hiện tượng bình thường, do lớp da cũ bị tẩy, để nhường chỗ cho da non”. Tuy nhiên, từ đến hơn 1 tháng sau, mỗi lần rửa mặt bằng sửa rửa mặt, thoa kem hay đi ra nắng, chị Mai đều bị rát da mặt. Da mặt chị có trắng hơn nhưng lại xuất hiện vết mụn li ti, mẩn đỏ, vết nám... Lo lắng, chị Mai quyết định đến BV khám. Sau khi bác sĩ khám và giải thích cho chị về nguy cơ gặp phải khi làm đẹp bằng sản phẩm không nguồn gốc, chị Mai thở dài: “Đúng là chả cái dại nào bằng cái dại này”.

Theo các bác sỹ da liễu, những trường hợp tẩy trắng, lột da bị dị ứng phải đến các bệnh viện điều trị như chị Mai khá nhiều. Quá trình điều trị thường phức tạp, lâu dài do nhiều người đã tự ý dùng kem có hóa chất tẩy mạnh, khiến vùng da bị lột quá mỏng. Hơn nữa, da mặt lại mỏng hơn da nhiều vùng khác trên cơ thể nên khi “lột”, mặt sẽ dễ xuất hiện vết nám, dị ứng, mẩn đỏ.

Cũng như chị Mai, chị Nguyễn Thanh Dung, 21 tuổi, ở Bắc Ninh, phải đến BV Da liệu Hà Nội, điều trị do da mặt bị đỏ ửng vì chị dùng kem trộn tẩy trắng tự chế ở một spa “ngõ”. Để điều trị cho chị Dung, các bác sĩ BV Da liễu Hà Nội phải tiến hành điều trị Laser CO2 Fractional (Fraxis), nhằm tạo ra các chùm tia cực nhỏ tác động đủ sâu vào trong da, tạo điều kiện cho sự phục hồi, tái tạo, tăng sinh các thành phần của da; đồng thời vẫn giữ lại những mô da nguyên vẹn xung quanh vị trí phát tia.

Cấp cứu vì tắm trắng toàn thân

Cuối năm 2013, BV Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận bệnh nhân Trương Thu Vân, 21 tuổi, là sinh viên một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, bị mẩn đỏ toàn thân do tắm trắng. Trước khi phải vào viện cấp cứu, Vân đã đến một cơ sở rao bán kem tắm trắng trên mạng trên phố Lạc Trung để tắm trắng, với mong muốn mình sẽ thành Bạch Tuyết. Sau khi bôi kem lên toàn cơ thể khoảng 1 giờ, Vân thấy nóng rát toàn thân, cảm giác đau, bỏng, rát. Không chịu được, Vân đi xả nước ấm, nước chảy đến đâu thì đau tới đó. Không những thế, Vân còn bị đau đầu và nôn thốc nôn tháo. Người thân phát hiện đã đưa Vân đi cấp cứu tại BV Trung ương Quân đội 108. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ kiểm tra lại hộp thuốc tắm trắng mà Vân sử dụng thì phát hiện thuốc không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Qua quá trình khám, xét nghiệm, các bác sĩ BV chuẩn đoán Vân bị nhiễm độc thuốc tắm trắng, da bị lột mẩn, loang lổ ở tay, cổ, chân và lưng.

Tuy chưa có số liệu thống kế cụ thể nhưng tại BV Da liễu Hà Nội, BV Da liễu Trung ương, mỗi năm tiếp nhận từ 70 đến 80 trường hợp dị ứng, viêm da do sử dụng mỹ phẩm kem trộn không rõ nguồn gốc, kem lột da tẩy trắng. Nhiều chị em có suy nghĩ lột da mặt, da cơ thể chỉ đơn giản là lột đi lớp tế bào chết, làm lộ da non trắng trẻo hơn.

Trả lời trên báo giới, tiến sĩ Trần Văn Tiến, Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, da có chức năng chống các tác động bên ngoài như tia tử ngoại, ánh nắng mặt trời, điều hòa nhiệt độ cơ thể… Sau 28 ngày, da sẽ xuất hiện một lớp tế bào chết. Khi lột lớp da cũ, để lại lớp da non yếu, chị em đã tác động lớn đến lớp biểu bì, rút ngắn khoảng thời gian đó một cách tối đa. Thông thường, trong các loại kem lột da đều có oxy, acid làm bỏng nhẹ làn da, dẫn tới tình trạng khô, bong tróc da. Vì thế, nếu vô tư sử dụng, làn da của chị em có thể bị hủy hoại, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Năm 2008, em Nguyễn Ngọc Bích, 15 tuổi, ở ấp Hòa Quới, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đã tử vong sau khi “tắm trắng” bằng kem “lột lạnh hai giờ”. Sau “lột” da vài giờ, Bích bị sốt, nôn mửa, khó chịu... Em được gia đình đưa chuyển đến BV Đa khoa Sa Đéc cấp cứu nhưng đã tử vong do nhiễm trùng nặng. (Còn nữa)

* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

Hương Lan 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang