Những loại thực phẩm tự nhiên có độc cần cẩn trọng trong quá trình chế biến

author 10:39 02/03/2018

(VietQ.vn) - Một số thực phẩm bản thân chúng chứa các chất độc, chúng có thể dẫn đến các triệu chứng ở hệ tiêu hóa, hệ thần kinh,... thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng.

Theo Trí Thức Trẻ đăng tải, khi nói đến ngộ độc, chúng ta thường nghĩ ngay đến lý do ăn phải thực phẩm kém chất lượng, chế biến không đúng cách. Ít ai nghĩ rằng, có nhiều món thực phẩm tự thân nó chứa chất độc. Ở một môi trường hay điều kiện nào đó, chất độc đó sẽ sinh sôi khiến người ăn vào sẽ bị ngộ độc ngay lập tức. Nếu biết sớm thực phẩm nào tự nhiên đã chứa độc tố, chúng ta sẽ hạn chế được trình trạng bị ngộ độc.

Những loại thực phẩm tự nhiên có độc cần cẩn trọng trong quá trình chế biến

Nhiều món thực phẩm tự thân nó chứa chất độc. Ảnh minh họa 

Báo Sức khỏe và Đời sống đã đưa thông tin về những loại thực phẩm có thể chứa chất độc ảnh hưởng đến sức khỏe của con người thậm chí còn có thể gây tử vong.

Thịt cóc

Trong dân gian coi thịt cóc là loại cực bổ, được người dân sử dụng cho trẻ biếng ăn, còi cọc… Tuy nhiên, trong cóc lại có các độc tố như bufotalin, bufotenin, bufotonin có trong các tuyến dưới da, gan, trứng của chúng. Do đó nếu trong quá trình chế biến mà các chất này còn lưu lại trên thịt cóc thì sẽ gây ngộ độc rất nguy hiểm.

Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện khoảng 1-2 giờ sau khi ăn, với các biểu hiện rối loạn tiêu hoá (đau bụng, buồn nôn, nôn), tim mạch (lúc đầu có tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, có thể do bufotonin. Sau đó rối loạn kích thích: Ngoại tâm thu, cơn nhịp nhanh thất, rung thất. Đôi khi có block nhĩ thất, nhịp nút, dẫn đến truỵ mạch. Các rối loạn nhịp có thể do bufotalin), rối loạn thần kinh và tâm thần (bufotenin có thể gây ảo giác, hoang tưởng, rối loạn nhân cách, liều cao hơn có thể ức chế trung tâm hô hấp, ngừng thở), tổn thương thận (viêm ống thận cấp). Khi bị ngộ độc cóc, cần xử trí thải trừ chất độc, điều trị hỗ trợ và lọc máu khi cần.

Cá nóc

Mặc dù ngộ độc cá nóc đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng hàng năm vẫn còn khá nhiều ca tử vong do cá nóc. Trong cá nóc có chứa độc tố là tetradotoxin có nhiều ở các tạng và đặc biệt là gan, da, trứng, số lượng thay đổi theo mùa. Chất này bền vững với nhiệt nên không bị phân hủy trong quá trình chế biến nấu ở nhiệt độ cao

Độc tố từ mật cá trắm

Mật cá trắm với lời đồn truyền miệng rằng uống sống sẽ tăng cường sức khỏe, thế là có người uống. Khỏe đâu chưa thấy nhưng người uống có thể phải đưa đi cấp cứu. Trong mật cá có một chất alcol steroid là 5 a cyprinol, chất này sau khi vào dạ dày, được hấp thu vào máu đi tới gan, thận gây ra suy gan và suy thận cấp.

Triệu chứng xuất hiện 1 - 2 giờ sau khi uống mật cá: người bệnh thấy khó chịu, đau bụng, buồn nôn hoặc tiêu chảy, 1 ngày sau thấy đái ít dần rồi vô niệu, có thể phù hai chân, đau đầu, tăng huyết áp, vàng da nhẹ, dần tới suy thận, suy gan và có thể tử vong nếu không đi cấp cứu kịp thời tại bệnh viện để lọc máu. Vậy từ nay, bạn nhớ rằng không bao giờ uống hoặc để cho người thân của bạn uống mật cá trắm.

Coi chừng những tác hại khôn lường khi đeo tai nghe lâu(VietQ.vn) - Việc đeo tai nghe quá lâu không chỉ ảnh hưởng đến thính lực mà còn có thể gây nhiều bệnh cho tai, mệt mỏi cho não bộ.

Chất độc từ nấm

Trên thực tế, có rất nhiều loại nấm: có loại nấm lành và có loại độc, ai không may ăn phải nấm độc sẽ phải học bài học cuối cùng. Nấm độc thường có ở rừng bắt đầu vào mùa mưa hoặc nấm dại mọc ở ven đường. Nấm độc được chia làm 2 nhóm: nhóm nấm xuất hiện triệu chứng ngộ độc sớm trước 6 giờ sau khi ăn, điển hình là nấm amanita muscaria, anipantherina, nấm đỏ hay nấm mặt trời.

Người bị ngộ độc có triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, co giật cơ, đau cơ, ảo giác… thường không gây tử vong. Nhóm nấm độc lực cao, gây tử vong cao, điển hình là nấm amanita phalloides, A. ocreata, A. verna...

Người bị ngộ độc có các triệu chứng xuất hiện muộn sau khi ăn nấm từ 6 - 24 giờ hoặc 48 giờ sau với các biều hiện: buồn nôn, nôn, cơn đau quặn bụng, tiêu chảy, tiểu ít, nước tiểu vàng thẫm, vàng mắt, suy gan và suy thận cấp. Nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Vì vậy, bạn chỉ nên mua và ăn những loại nấm mà bạn biết chắc chắn là ăn được. Không bao giờ bạn mua hay ăn nấm lạ để đảm bảo an toàn cho mình và gia đình.

Chất độc trong măng

Xyanua là chất gây độc trong măng. Một nghiên cứu trên 3 loại măng cho thấy: măng trắng (được bào từ củ măng), măng trắng ngâm nước nửa ngày, khi đó, măng đã ra nước hơi chua và măng vàng là măng đã qua luộc và ngâm nước bán trên thị trường đều có hàm lượng xyanua rất đáng lo ngại.

Chất xyanua có sẵn trong măng sẽ giảm dần khi tiếp xúc với nước. Nhưng đối với măng chua, trong quá trình ngâm, chất xyanua có thể kết hợp với một số enzym hoặc kết hợp với một số chất trong ruột người gây ngộ độc cấp tính. Do đó, khi chế biến măng, bạn nên làm theo kinh nghiệm dân gian là rửa kỹ, ngâm măng trong nước nhiều giờ và luộc qua 1 - 2 lần trước khi ăn để tránh bị ngộ độc.

Sắn cũng có chất xyanua

Trong sắn có chứa chất độc xyanua. Khi luộc, nhất là luộc với số lượng lớn thì chất này sẽ đóng váng trên bề mặt nước. Người ăn phải chất này với hàm lượng cao sẽ bị ngộ độc.

Cách tốt nhất để loại bỏ chất xyanua trong sắn là lột vỏ, sau đó ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc. Ngoài ra, trong lúc luộc, nên mở nắp nồi để chất xyanua bay đi, lượng độc chất sẽ giảm đáng kể.

Chất độc trong khoai tây để lâu ngày

Khoai tây để lâu ngày hoặc để chúng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là khoai tây đã mọc mầm hay khi vỏ khoai đã chuyển sang màu xanh thì hàm lượng chất độc solanin trong khoai tăng lên rất cao. Triệu chứng ngộ độc là đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở. Để tránh ngộ độc khoai tây, bạn không nên mua hoặc chế biến thức ăn từ những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh, những củ đã đào khỏi mặt đất quá lâu...

Minh Châu (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang