Những loại vaccine ngừa Covid-19 nào đang tăng tốc nghiên cứu từng ngày để cho ra lò sớm nhất?

author 14:41 13/08/2020

(VietQ.vn) - Giữa lúc đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành thế giới thì cuộc chạy đua nghiên cứu và hoàn tất thử nghiệm vaccine Covid-19 tại các quốc gia cũng đang nóng từng ngày.

Theo thông tin trên báo VnExpress, hiện có 6 loại vaccine trong thử nghiệm giai đoạn 3. Trong một thông báo bất ngờ, ngày 11/8, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vaccine của Nga với tên gọi "Sputnik V", theo tên vệ tinh của Liên Xô cũ, có khả năng mang tới "miễn dịch bền vững" chống lại nCoV.

Thông tin từ Nga cho biết, cuộc đua vaccine Covid-19 toàn cầu tăng tốc hơn nữa. Nhiều hãng dược cũng nhận được tài trợ để sản xuất hàng triệu liều đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất vào năm 2021, thậm chí cuối năm nay.

Nghiên cứu vaccine Covid-19 toàn cầu đang ở giai đoạn tăng tốc để đẩy lùi dịch Covid-19. Ảnh: Xinhua

Đại học Oxford, hợp tác với tập đoàn dược phẩm Thụy Điển - Anh AstraZeneca, hy vọng sẽ tung vaccine ra thị trường vào tháng 9, trong khi công ty công nghệ sinh học Moderna, hợp tác với Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), đặt mục tiêu khoáng tháng 11 tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động "Chiến dịch Thần tốc" với mục tiêu cung cấp vaccine cho tất cả người Mỹ vào tháng 1/2021. Ngày 12/8, ông công bố hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD với công ty Moderna để sản xuất 100 triệu liều vaccine.

"Chúng ta đang trên đà nhanh chóng sản xuất 100 triệu liều ngay khi vaccine được phê duyệt và con số này sẽ lên tới 500 triệu sau đó, vì vậy chúng ta sẽ có khoảng 600 triệu liều", ông phát biểu.

Mỹ đầu tư nhiều hơn các quốc gia khác, ít nhất là 10,9 tỷ USD, để phát triển và sản xuất vaccine nCoV. Ngoài Moderna, Mỹ cũng đặt trước hàng trăm triệu liều vaccine từ nhiều công ty khác như Johnson & Johnson, Novavax, Pfizer, Sanofi và AstraZeneca.

Hai nhà phát triển vaccine - Oxford/AztraZeneca và Sanofi/GSK cũng đã ký kết với Ủy ban châu Âu nhằm cung cấp 700 triệu liều tiêm. Nhật Bản có nhu cầu lấy 490 triệu liều vaccine từ 3 nhà cung cấp, trong đó có 250 triệu liều từ Novavax của Mỹ.

Brazil đặt hàng 100 triệu liều từ AstraZeneca, đồng thời hợp tác với Trung Quốc để sản xuất 120 triệu liều "CoronaVac", đang được thử nghiệm trên chính người dân Brazil.

Thử nghiệm lâm sàng với hai ứng cử viên vaccine của Trung Quốc - Sinovac và Sinopharm - đang được tiến hành, nhưng chỉ có một vài quan hệ đối tác quốc tế được công bố - một với Brazil và một với Indonesia.

Nga cho biết, 20 quốc gia đã đặt trước một tỷ liều Sputnik V và với các đối tác nước ngoài, họ có thể sản xuất 500 triệu liều mỗi năm tại 5 quốc gia. Hàng tỷ liều sẽ được sản xuất cho người dân châu Á và nhiều nơi khác bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. 

Novavax và AstraZeneca đã ký thỏa thuận riêng với SII để sản xuất một tỷ liều vaccine cho Ấn Độ cũng như các nước thu nhập thấp và trung bình khác với điều kiện vaccine chứng minh được tính hiệu quả trên lâm sàng.

Anh đã tìm ra được thuốc điều trị COVID-19 có sẵn và hiệu quả bất ngờ(VietQ.vn) - Các nhà khoa học Anh đã tìm ra một phương thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 sẵn có và hiệu quả. Các nhà khoa học hy vọng đây sẽ là liều thuốc cứu cánh cho những bệnh nhân nặng.

Trong diễn biến liên quan tới tình hình dịch Covid-19 trên toàn thế giới, tính đến 6h ngày 13/8, theo trang thống kê Worldometers, toàn cầu ghi nhận 20.774.696 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 751.294 người tử vong và 13.679.206 bệnh nhân bình phục.

Bắc Mỹ vẫn là khu vực có số ca nhiễm cao nhất với 6.304.129 ca, sau đó là châu Á với 5.301.239 ca và Nam Mỹ với 4.960.637 ca. Châu Âu hiện ghi nhận 3.105.845 ca nhiễm, châu Phi là 1.077.970 ca trong khi số ca nhiễm tại châu Đại Dương hiện là 24.082 ca.

Tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận ngày thứ 14 liên tiếp có số ca mắc mới trên 50.000 ca, tồi tệ hơn, trong 24 giờ qua ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt kỷ lục lên 67.066 người mắc bệnh. Đến nay, Ấn Độ xác nhận 2.395.471 ca bệnh, trong đó có 47.138 ca tử vong.

Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số nước Đông Nam Á với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Hiện Philippines là quốc gia có số ca mắc bệnh cao nhất khu vực này. Ngày 12/8, Bộ Y tế Philippines ghi nhận 4.444 ca mắc mới và 93 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 143.749 và 2.404 ca.

Cùng ngày, Indonesia thông báo thêm 1.942 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 130.718 ca. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng lên 5.903 ca, thêm 79 ca so với một ngày trước đó. Đây là số ca tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Tại Đông Bắc Á, tình hình dịch ở Nhật Bản cũng diễn biến phức tạp. Ngày 12/8, chính quyền thành phố Tokyo xác nhận thêm 222 ca nhiễm, tăng sau 2 ngày giảm xuống dưới 200 ca mới. Tokyo và nhiều thành phố lớn khác như Osaka đang tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm tăng cao, kể từ khi chính phủ nước này dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa toàn quốc hồi cuối tháng 5.

Trong khi đó, số liệu của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cho biết, ở đại lục có thêm 25 ca nhiễm, trong đó có 9 ca nội địa, đều ở khu tự trị Tân Cương và 16 ca du nhập từ nước ngoài. Trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục cũng phát hiện thêm 20 ca nhiễm không biểu hiện triệu chứng, trong đó có 12 ca nhập cảnh.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã ghi nhận thêm 54 ca nhiễm trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.714. Hàn Quốc cũng đã có thêm 57 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 13.786 ca.

Việt Nam đến nay ghi nhận tổng cộng 883 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó 322 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 421 ca. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam có 409 bệnh nhân Covid-19 đã được công bố khỏi bệnh và 17 trường hợp tử vong do mắc Covid-19 và các bệnh lý nền nghiêm trọng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang