Ông Lê Như Tiến: Sắp nghỉ hưu không được ký bổ nhiệm, phê duyệt dự án

author 09:02 21/11/2015

Sau phiên chất vấn về “chuyến tàu vét cuối cùng” và “hoàng hôn nhiệm kỳ” phản ánh thực trạng tham nhũng, Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, ông đã nhận được hàng trăm tin nhắn “rất đặc biệt”.

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) phát biểu tại hội trường

Ông Tiến nói: Sau khi tôi nêu chất vấn, có rất nhiều cử tri, đặc biệt cử tri tỉnh Quảng Trị đã gửi cho tôi những tin nhắn rất đặc biệt. Tôi lấy ví dụ, trong mấy trăm tin nhắn, có ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhắn với tôi rằng: “Chất vấn của anh ngắn gọn, súc tích, trí tuệ. Nhiều cử tri nhờ tôi gửi tới đồng chí niềm tin và hi vọng”. Rồi một đồng chí Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH vừa nghỉ hưu cũng nhắn ngắn gọn: “Chúc anh: Đại biểu ngôi sao”…

Tôi cũng rất tự hào có nhà thơ, nhà thư pháp Hoàng Trung ở thành cổ Quảng Trị nhắn cho tôi: “Tất cả cử tri ở Quảng Trị rất hài lòng, tự hào khi bầu cho ĐBQH Lê Như Tiến. Ông đã thể hiện được trách nhiệm của mình trước nhân dân qua câu hỏi chất vấn chất lượng trước Quốc hội. Nhân dân Quảng Trị rất tự hào về ông”.

Bên cạnh những tin nhắn chúc mừng thì ông có nhận được tin nhắn nào mang tính đe dọa không?

Tôi không nhận được tin nhắn nào như thế. Tuy nhiên sau khi tôi chất vấn đã có người gọi điện cho tôi nói rằng: “Em rất lo cho anh. Anh có ngại gì không? Có cần phải bảo vệ không?”. Tôi bảo không cần, vì tôi nói lên tiếng nói của cử tri và đằng sau tôi cũng là cử tri, nhân dân cả nước nên chắc chắn tôi không ngại gì cả.

Phải chăng cảnh báo về “chuyến tàu vét cuối cùng” hay “hoàng hôn nhiệm kỳ” mà ông nêu ra nó đã và đang tồn tại trong nhiều nhiệm kỳ qua?

Quả thực trong thời gian vừa qua, cứ mỗi khi đến cuối nhiệm kỳ, thời điểm nhạy cảm nhất bao giờ cũng có hiện tượng “chuyến tàu vét cuối cùng”. Người ta cố gắng đề bạt, bổ nhiệm thật nhiều những “cánh hẩu” thân tín, thân cận vì mục đích vụ lợi. Thứ nữa, cuối nhiệm kỳ họ cũng có thể ký những dự án, hợp đồng rất lớn và những lợi ích kinh tế rất lớn. Sau những chữ ký ấy, người kế nhiệm sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Thực tế vừa qua đã công khai ở một vài nơi Chủ tịch tỉnh trước khi về hưu đã ký những hợp đồng trị giá hàng trăm tỷ đồng. Toàn bộ ê kíp sau đó lĩnh đủ, vì những dự án đó rất bất lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Suy cho cùng, đó cũng chính là tiền thuế của người dân, nên cần phải có quy định cụ thể, công khai minh bạch để người dân và cử tri có điều kiện giám sát.

Vậy theo ông cần phải có những quy định cụ thể ra sao để ngăn chặn thực trạng này?

Tôi đề nghị Thanh tra Chính phủ có những quy định: Ba tháng hay sáu tháng trước khi nghỉ hưu không được phép ký bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Đồng thời không được ký những dự án sử dụng tiền ngân sách lớn, chẳng hạn như những loại hợp đồng từ 10 tỷ đồng, hay 100 tỷ đồng trở lên. Nếu được ký kết những hợp đồng dự án như vậy sẽ rất phương hại và đằng sau đó là hoa hồng, lại quả, hoặc gì gì đó…

Nhất thiết cần phải có quy định cụ thể để hạn chế tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ trong thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, làm những “chuyến tàu vét cuối cùng” trước khi hạ cánh. Còn nếu đã có quy định rồi thì phải công bố công khai để cho mọi người biết, ngăn chặn tình trạng này.

Tuy nhiên đã có những trường hợp dù để lại những hậu quả, nhưng khi họ đã về hưu thì vẫn vô can?

Tôi đề nghị cần phải quy định không có giới hạn nào đối với những trường hợp tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí. Kể cả khi về hưu vẫn phải chịu trách nhiệm, vẫn phải hồi tố chứ không phải “hạ cánh an toàn”. Tôi cũng đã cảnh báo, quan chức trước khi nghỉ hưu vì nghĩ đến sự an toàn họ đã chuyển tài sản là những nhà cửa, đất đai, ô tô, tài sản lớn… cho những người thân trong gia đình. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể khống chế được từ việc kê khai tài sản kể cả người đương chức và người thân trong gia đình họ.

Không có lý gì một đứa con mới hơn 20 tuổi lại có số tài sản khổng lồ như thế. Nhiều mảnh đất, biệt thự, những ô tô xịn như thế phải chứng minh được, nếu không chứng minh được thì đó là tài sản bất minh. Con đường đi của tài sản bất minh hiện rất lắt léo, nhưng tôi tin nếu cơ quan chức năng vào cuộc thì vẫn tìm ra được ngóc ngách từ những con đường đi bất minh của tài sản bất minh đó.

Cảm ơn ông!

Theo Tiền phong


 



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang