Phát hiện 4.500 hộp găng tay y tế kém chất lượng, giả nhãn hiệu VGlove Khải Hoàn

author 11:31 10/09/2020

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện kho hàng chứa số lượng lớn găng tay y tế kém chất lượng, giả nhãn hiệu có tiếng.

Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện một kho hàng chứa số lượng lớn găng tay y tế kém chất lượng, giả nhãn hiệu có tiếng.

 Kho hàng bị phát hiện. 

Trước đó, vào khuya 8/9, cơ quan chức năng ập vào kho hàng trên đường Nguyễn Văn Tạo, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, phát hiện tại đây có chứa số lượng lớn găng tay y tế.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 3.000 thùng carton chứa khoảng 4.500 hộp găng tay, ước tính khoảng 4 triệu cái. Số hàng này không hóa đơn, chứng từ mua bán, không rõ nguồn gốc xuất xứ, được đóng gói giả nhãn hiệu VGlove của Công ty cổ phần VRG Khải Hoàn, có địa chỉ tại ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bầu Bàng, tỉnh Bình Dương. Một số găng tay còn dính vết bẩn, đã qua sử dụng, kém chất lượng.

Qua điều tra, công an xác định người thuê kho hàng trên để cất giấu hàng hóa là Nguyễn Ngọc Trung, tên thường gọi là Việt (SN 1989, HKTT tại thôn 9, xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) và đối tượng tên Huy ở Long An (hiện đang xác định danh tính).

Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tam giữ lô hàng này. Được biết, kho hàng vừa được thuê lại cách đây khoảng 1 tuần và đã bị phát hiện.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các cơ sở có hành vi làm giả găng tay y tế. Việc lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 để sản xuất găng tay y tế giả trục lợi là hành vi đáng lên án. Bởi, ngoài việc xâm phạm quyền và lợi ích của người tiêu dùng, việc sản xuất găng tay y tế giả, không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm đối với người dùng và làm cho nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh trở lên khó khăn hơn.

Trước tình hình trên, trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin báo nêu việc sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng tay không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc. Văn bản nêu rõ, trước phản ánh của một số cơ quan thông tấn báo chí nêu nhiều vụ việc sản xuất, tập kết, vận chuyển số lượng lớn găng tay, khẩu trang không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc đã bị các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ; nếu số khẩu trang, găng tay này được đưa ra thị trường tiêu thụ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng và việc phòng chống dịch bệnh.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 9/2020.

Còn dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Thị Thu, Công ty Luật số 1 Hà Nội phân tích, theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính Phủ, việc sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế (trong ngành y tế gọi là “khẩu trang phẫu thuật”) không tuân theo các điều kiện về sản xuất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với hành vi này, tùy theo tính chất mức độ, động cơ và giá trị trục lợi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.

Trong trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đề nghị khởi tố để điều tra xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự hiện hành về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” và người phạm tội phải đối diện với khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc  tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Đỗ Minh Hiển, Đoàn luật sư Hà Nộị cho rằng, mặc dù phát hiện nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang không đủ tiêu chuẩn với số lượng thu giữ lớn nhưng hầu hết các vụ việc mới chỉ bị xử phạt hành chính mà chưa bị khởi tố hình sự theo quy định tại Điều 192 BLHS năm 2015, sửa đổi 2017.

Thu Hà

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang