Phát hiện hàng ngàn sản phẩm KOLLAGEN 11.000 PLUS không rõ nguồn gốc

author 05:58 24/04/2022

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng TP.Hà Nội vừa tạm giữ hơn 8.000 sản phẩm thực phẩm bổ sung xương khớp có nhãn KOLLAGEN 11.000 PLUS không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cụ thể, Đội Quản lý Thị trường số 1- Cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh (địa chỉ tại Bãi xe Yên Xá, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) phát hiện cơ sở kinh doanh có 8.100 chai thực phẩm bổ sung xương khớp nhãn KOLLAGEN 11.000 PLUS, loại 25ml/chai, vỏ hộp có chữ nước ngoài.

Toàn bộ số thực phẩm bổ sung trên do nước ngoài sản xuất, chủ hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa trên.

 Sản phẩm bổ sung xương khớp nhãn KOLLAGEN 11.000 PLUS, loại 25ml/chai, vỏ hộp có chữ nước ngoài.

Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu trên một số website đang giới thiệu sản phẩm KOLLAGEN 11.000 PLUS được nhập khẩu từ Đức bán với giá trên 1.000.000 đồng/hộp 30 ống.

Sản phẩm được quảng cáo "giới y khoa cũng như người tiêu dùng tại Đức khẳng định hiệu quả cũng như chất lượng sản phẩm đạt kết quả ngoài mong đợi sau tuần đầu tiên sử dụng".

Các tác dụng được liệt kê như: Chống đau khớp xương, bổ sung chất nhờn cho khớp, hỗ trợ quá trình tái tạo sụn khớp cho người trên 40 tuổi khi mà các cơ khớp với xương bắt đầu có tình trạng oxy hoá; Trẻ hoá, ngăn ngừa và cải thiện làn da hiệu quả trong thời gian ngắn; Tăng hệ miễn dịch, giúp bạn khoẻ mạnh hơn,...

Trước thực trạng trên, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng khi mua thực phẩm chức năng dạng này trên mạng. Vì nguồn gốc và chất lượng rất khó đảm bảo khi người tiêu dùng không được cung cấp thông tin về đơn vị nhập khẩu và phân phối chính thức, không đảm bảo quy định về tem nhãn phụ sản phẩm.

Theo quy định tại Nghị định 124/2015/NĐ - CP bổ sung Nghị định 185/2013/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Vì vậy, loại hình kinh doanh nào cũng đều phải tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó: Hành vi buôn bán thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” với hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 40 triệu đồng tuỳ vào giá trị hàng hoá vi phạm.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang