Phát triển công nghệ truyền thông: Khe cửa còn hẹp!

author 07:13 16/10/2014

(VietQ.vn) – Các nhà khoa học ở Việt Nam nhận định, công nghệ truyền thông thế giới đã tiến nhanh, tiến xa, Việt Nam có cơ hội tận dụng các lợi thế trên nền nghiên cứu, phát triển quốc tế nhưng vẫn phải “bước sau”.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Chuỗi hội nghị quốc tế về Công nghệ tiên tiến trong tuyền thông (ATC 2014) đang diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện này thu hút hàng trăm nhà khoa học, nghiên cứu ứng dụng hàng đầu thế giới tới Việt Nam. Đây là cơ hội để học tập và tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển.

Phó Giáo sư, TS Lê Hữu Lập – Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, trưởng ban tổ chức ATC 2014 lần này cho rằng, Việt Nam có thể tiếp cận, tận dụng các nghiên cứu của những nhà khoa học nổi tiếng thế giới, ứng dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam, giải bài toán nhu cầu phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cho rất nước.

Phó Giáo sư, TS. Lê Hữu Lập - PGĐ Học viện Bưu chính Viễn thông

Phó Giáo sư, TS. Lê Hữu Lập - PGĐ Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội phát triển công nghệ truyền thông của thế giới, tiết kiệm chi phí, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: N. Nam

Thưa ông, trong Hội nghị ATC 2014, các chuyên gia nước ngoài gợi mở nhiều khả năng phát triển cho công nghệ truyền thông ở Việt Nam, khả năng tiếp nhận đối với thị trường này nước ta như thế nào?

Đúng là các bài tham luận lần này của các chuyên gia nước ngoài đem tới Hội nghị ATC 2014 được đánh giá rất cao. Điển hình như bài phát biểu của Giáo sư Lajos Hanzo - chuyên gia Giải pháp điều chế không gian, một giải pháp tạo ra 2 tính năng cơ bản của thế hệ tiếp theo công nghệ mạng không dây 5G – tăng cường tốc độ truyền dẫn và chống nhiễu. Chuyên gia này được coi là một trong số rất ít những nhà khoa học bậc nhất thế giới về lĩnh vực radio, truyền hình, wifi.

Các gợi mở của chuyên gia trong lần hội thảo tại Việt Nam gần như sẽ được chuyển sang hướng công nghệ bởi các nghiên cứu khoa học đó có tính ứng dụng rất cao. Các nghiên cứu đó không xa vời và rất sát với sự phát triển của công nghệ hiện nay.

Việt Nam có khả năng tiếp nhận lý thuyết để chuyển thành công nghệ ứng dụng là điều còn rất khó khăn. Biến những nghiên cứu lý thuyết thành các sản phẩm công nghệ phục vụ đất nước và xã hội còn nhiều hạn chế. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta tiếp nhận được gì từ các nghiên cứu, trí tuệ của thế giới? Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ đang có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều loại hình khác nhau. Ví dụ như công nghệ về vô tuyến, các nhà khoa học Việt Nam phải chọn lựa, nắm được nhân tố cốt lõi, dự đoán xu hướng phát triển với yêu cầu Việt Nam - đó mới là điều quan trọng. Còn hy vọng sản xuất, ứng dụng nhanh vào thực tiễn không thể làm ngay lúc này và chắc là phải “bước sau”.

Ở Việt Nam hiện vẫn phát triển mạnh hai mạng song song là mạng không dây và có dây, phát triển 4G và 5G, vậy theo đánh giá của ông, tiềm năng trong vấn đề này như thế nào?

Hiện nay có hai hướng công nghệ là cố định, với công nghệ truyền tải quang, cáp quang bằng các đường trục. Hiện cáp quang ở Việt Nam đã tới được các huyện, xác xã, tới các blog, tòa nhà. Trên nền tảng đó có thể chuyển đổi, truyền dữ liệu, nội dung với tốc độ cao, độ an toàn và ổn định lớn.

Còn công nghệ vô tuyến chỉ là vấn đề truy nhập và công nghệ đầu cuối. Ứng dụng công nghệ cho truy nhập sẽ phát triển công nghệ 4G và 5G để tăng tốc độ. Hướng tối ưu hóa là việc xây dựng hạ tầng bền vững trên nền cáp quang. Xây dựng công nghệ truy nhập với thế hệ cao hơn là 4G và 5G. Làm được điều này sẽ giải quyết được bài toán kinh tế, đem lại lợi nhuận cho đất nước.

Thưa ông, mấu chốt để tiến nhanh hơn về công nghệ truyền thông là đào tạo nguồn nhân lực, vấn đề này ở nước ta thế nào, có đáp ứng được đòi hỏi của thị trường?

Ví dụ cụ thể tại Học viện Bưu chính Viễn thông, hiện Học viện đang tập trung hết sức lực vào nghiên cứu, phối hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong Hội nghị ATC lần này, Học viện hướng tới kết nối các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu thế giới trao đổi với các nghiên cứu, giảng viên về hoạt động trong lĩnh vực vô tuyến. Thái Lan cũng có nhu cầu đối với vấn đề an toàn thông tin và bảo mật, các chuyên gia của nước này cũng sẽ tiến hành các tiếp xúc với các chuyên gia hàng đầu thế giới để có thêm thông tin và kiến thức. Các nước như Việt Nam và Thái Lan làm điều này là tận dụng các nghiên cứu của những nhà khoa học đi trước để họ chuyển giao cho mình các công nghệ thông tin truyền thông mới, hàng đầu thế giới hiện nay.

Thực tế cũng cho thấy, như tổ chức NICT, có một số các chuyên gia trước đây học tại Học viện, mong muốn truyền đạt các kiến thức có được từ nước ngoài để rút ngắn thời gian nghiên cứu cho các nhà khoa học tại Việt Nam.

Tiếp theo, Học viện cũng đang tập trung chuyển đổi chương trình đào tạo. Cách đây một vài năm, đào tạo viễn thông của Việt Nam có những điểm khác nhau và ngày nay hoàn toàn khác. Hiện nay, không nhắc nhiều tới vấn đề hạ tầng vì hạ tầng là cố định và công nghệ xác định. Điều đặt ra lúc này là phát triển mảng dịch vụ. Một kỹ sư công nghệ thông tin truyền thông được đào tạo ra không chỉ để đi trực tổng đài. Trong khi đó, muốn chuyển đổi được hướng đào tạo cần có kiến thức về IT, kiến thức về vô tuyến… Các nghiên cứu đang hướng đến, trong 4 -5 năm nữa, các kỹ sư công nghệ ra trường sẽ làm gì, nhu cầu thị trường là gì phải đào tạo theo hướng đó. Còn chỉ dựa vào các nghiên cứu, kế hoạch cách đây đã vài năm, chắc chắn nhân lực đào tạo xong họ sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Nam (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang