Phát triển nông nghiệp nhờ ứng dụng công nghệ cao

author 14:04 22/08/2014

(VietQ.vn) - Hiện cả nước có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động tại 12 tỉnh, thành phố, một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tư có hiệu quả, đem lại lợi nhuận khá cao.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Hiện cả nước có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động tại 12 tỉnh, thành phố. Bước đầu đã hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lâm Đồng; mô hình sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu, mô hình nuôi cá tra sạch tại Đồng bằng sông Cửu Long...

Một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tư có hiệu quả, đem lại lợi nhuận khá cao như sản xuất cây giống tại Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, mô hình cánh đồng lớn ờ Công ty Bảo vệ thực vật An Giang; mô hình nuôi bò và chế biến sữa của Công ty TH True Milk. Đặc biệt, Trung tâm Phát triển Nông lâm nghiệp công nghệ Hải Phòng với hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại từ công nghệ của Israel, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm và bón phân có kiểm soát qua ống tưới của Israel cho năng suất cao gấp 3 lần so với phương pháp truyền thống.

Phát triển nông nghiệp

Các khu nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam còn rất hạn chế do đầu tư chưa đồng bộ. Ảnh minh họa

Việt Nam, với hơn 70% dân số gắn bó với nông nghiệp, nông nghiệp đóng góp 20% GDP nhưng nền nông nghiệp VN vẫn phát triển lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, quy hoạch còn bất cập, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khó khăn lớn nhất và cơ bản nhất của nông nghiệp nước ta là sản xuất phân tán, quy mô nhỏ, lại chia thành nhiều mảnh, khó tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung.

Ở Việt Nam, các DN vẫn cho rằng việc đầu tư vào nông nghiệp có xác suất rủi ro khá cao do phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm. Vì lý do đó nên họ không muốn mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực này mà chủ yếu tham gia vào các kênh đầu tư mang lại lợi nhuận lớn và thu hồi vốn nhanh (chứng khoán, bất động sản, dịch vụ…). Do vậy, cách duy nhất là đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì mới có thể thay đổi bức tranh nông nghiệp lạc hậu và lối tư duy cũ.

Bà Thái Hương – Chủ tịch tập đoàn TH có nói: “Sở dĩ ngành chăn nuôi bò sữa tại VN chưa có thành công đột phá, theo tôi còn thiếu 2 điều cơ bản: đó là quy trình và sự tuân thủ. Để có được sản phẩm sữa tươi sạch, chúng tôi đã mua toàn bộ bí quyết công nghệ cùng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel và quy trình chế biến hàng đầu trên thế giới từ các nước tiên tiến. Khi đặt mua quy trình của Israel, để đảm bảo sự tuân thủ đúng quy trình, TH true MILK đã thuê cả nông dân và chuyên gia của Israel vận hành máy móc và hướng dẫn, đào tạo người VN”. TH true MILK đã xây dựng hệ thống làm việc chuyên nghiệp, được quản lý trực tiếp bởi hai Cty đa quốc gia là Cty SAE-AFIKIM của Israel về quản trị đàn bò và Cty Totally Vets của New Zealand quản trị thú y.

Hiện tại TH true MILK đã hoàn thành giai đoạn 1 nhà máy chế biến sữa hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, công suất 500 triệu lít/năm. Hiện nay, sau gần 2 năm hoạt động, TH true MILK đã là nhà cung cấp sữa tươi “sạch” hàng đầu VN. Dự kiến năm 2015 sẽ đáp ứng 50% nhu cầu sữa tươi sạch trên thị trường nhờ tự chủ về nguồn nguyên liệu.
Việc Tập đoàn TH ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nâng cao hiệu suất canh tác, biến 1ha đất trước đó chỉ cho thu hoạch khoảng 70 triệu đồng/năm, bây giờ, nhờ trồng cỏ, trồng cao lương... theo phương thức áp dụng công nghệ cao đã cho thu hoạch từ 500 triệu - 1,5 tỷ đồng/năm...

Tuy nhiên, hoạt động của các khu nông nghiệp công nghệ cao này còn rất hạn chế do đầu tư chưa đồng bộ, tập trung; cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp còn thiếu hấp dẫn. Một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội, Hải Phòng được đầu tư hàng chục tỷ đồng để nhập công nghệ trọn gói của nước ngoài, nhưng chưa thành công. Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa trong thời gian qua chưa tạo đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, chưa tạo cơ sở vững chắc cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững; chưa gắn kết giữa sản xuất  với tiêu thụ sản phẩm...

Bốn điều kiện tiên quyết để làm nên cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp: Vai trò của DN: yếu tố tiên quyết đầu tiên để đưa công nghệ cao vào nông nghiệp là phải có thế hệ doanh nhân yêu nước, có đủ Tâm - Trí - Lực để hoạch định cho mình một con đường đi rõ ràng, riêng biệt, biết đặt lợi ích của mình trong lợi ích quốc gia, không được tối ưu hóa lợi nhuận mà phải hợp lý hóa lợi ích.

Phải có nguồn lực (đất đai): đủ để đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Điều không thể thiếu là sự gắn kết, vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền nhân dân và sự nhận thức sâu rộng của chính quyền địa phương.

Lựa chọn công nghệ đúng: Sử dụng công nghệ đầu cuối của thế giới, trí tuệ mới của thế giới đã được ứng dụng trong thực tiễn vào Việt Nam.

Sự ủng hộ của nhân dân: nếu có sự ủng hộ của nhân dân, cùng đồng sức đồng lòng cùng chính quyền và doanh nghiệp thì những dự án mang tính đột phá mới thành công.

Duy Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang