Phó TGĐ FPT: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thay đổi, tăng khả năng cạnh tranh

author 14:37 22/11/2019

(VietQ.vn) - “Chuyển đổi số không nhằm mục đích gì khác ngoài việc giúp các doanh nghiệp thay đổi, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển hơn nữa”, ông Hoàng Việt Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Tổng giám đốc FPT Telecom chia sẻ.

Doanh nghiệp chuyển đổi số cần phải nghĩ lớn, bắt đầu thông minh

Ông Hoàng Việt Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Tổng giám đốc FPT Telecom cho rằng, chuyển đổi số là không thể tách rời, bởi hạ tầng, con người, công nghệ. "Khi tiếp xúc với khách hàng, chúng tôi thấy có 70% doanh nghiệp được hỏi cho rằng chuyển đổi số là tất yếu. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng chia sẻ gặp không ít khó khăn về chuyển đổi số và không biết bắt đầu từ đâu", ông nói thêm.

Ông Hoàng Việt Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Tổng giám đốc FPT Telecom. 

Theo ông Việt Anh, chuyển đổi số không nhằm mục đích gì khác ngoài việc giúp các doanh nghiệp thay đổi, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển hơn nữa. Để triển khai được hiệu quả một lộ trình chuyển đổi số, ông tin rằng cần phải nghĩ lớn, bắt đầu thông minh, tăng trưởng quy mô nhanh chóng.

"Trong đó, bắt đầu thông minh là việc phải xác định và tập trung những vấn đề có tính thiết yếu nhất với doanh nghiệp, lựa chọn các dự án triển khai có tính khả thi cao, và trong quá trình thí điểm thì lựa chọn các dự án đơn giản, dễ triển khai", ông Hoàng Việt Anh nhấn mạnh.

Chuyển đổi số thay đổi doanh nghiệp như thế nào?

Nói về chiến lược và mục tiêu chuyển đổi số, ông Đinh Toàn Thắng, Phó trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho hay, VNPost là doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, gần tròn 100 tuổi, cơ cấu lao động già, nhiều phụ nữ, mạng lưới hoạt động tại các huyện xã.

Những năm gần đây, nhận thấy những lĩnh vực cốt lõi như bưu chính, bán lẻ... bị cạnh tranh "tơi bời" trước làn sóng Fintech, ngân hàng điện tử, ban lãnh đạo doanh nghiệp đặt mục tiêu chuyển đổi số, dựa trên các framework của nước ngoài, đưa vào vận hành công nghệ mới, dữ liệu IoT. "Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số với phương châm nghĩ lớn", đại diện VNPost nói.

 Ông Đinh Toàn Thắng, Phó trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Còn phía Masan, ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó Tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin Masan cho hay: "Không nhiều người biết cái tên Masan nhưng lại rất rõ các gói mỳ, chai mắm, xì dầu như Omachi, Chin Su". Ông Nguyên cho rằng không có cách nào khác ngoài thay đổi và tự hoàn thiện. Masan đã trải qua 3 lần chuyển đổi số từ năm 2013 là "ở đâu", đảm bảo các cửa hàng của Masan lúc nào cũng phải có hàng trên kệ.

Đến năm 2015, chiến dịch chuyển thành "chất lượng". Mỗi năm Masan sản xuất 2 tỷ gói mỳ, nửa tỷ chai nước mắm, xì dầu phải có chất lượng tương đương nhau. Mọi khâu phải trơn tru, vận hành xuyên suốt. Cuối cùng vì là công ty hàng tiêu dùng nên Masan quay trở về với tôn chỉ quan trọng nhất vẫn là "giá cả phù hợp". Masan kiểm soát mỗi đồng tiền phải tự "làm việc" để tạo ra giá trị cho khách hàng và doanh nghiệp.

Masan đưa hệ thống báo cáo thông minh vào để cá nhân hoá dữ liệu chứ không bình quân hoá. "Khi Alibaba vào Việt Nam, không chỉ Masan, mà hầu hết các công ty bán hàng đều sợ, chúng tôi có thể còn sản phẩm, còn nhà máy, còn công nhân nhưng mất khách hàng. Masan quyết định xây dựng thương hiệu rõ rệt cho các sản phẩm để bước ra khỏi nhà kho, cửa hàng, tiếp cận 26 triệu hộ dân Việt Nam. Làn sóng thay đổi thứ 3 mà Masan thực hiện là đi bắt tay với cá doanh nghiệp lớn của Việt Nam, để chính mình cũng lớn hơn", ông Nguyên nói.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang