Quản lý chợ đầu mối: Cần kiểm soát chặt an toàn thực phẩm

author 16:51 17/01/2018

Tại nhiều chợ đầu mối ở Hà Nội như chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ Đền Lừ (quận Hoàng Mai), việc kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) còn rất hạn chế.

Tập kết thực phẩm tại chợ đầu mối Minh Khai còn rất mất vệ sinh-Ảnh: Đỗ Hương

Chưa có dụng cụ bảo quản, sơ chế chuyên biệt

Thực phẩm tại các chợ đầu mối khá đa dạng, từ rau, củ, quả cho đến thịt, tôm, cá… và cả các thực phẩm khô, đã qua sơ chế… Tuy nhiên thực trạng chung của các chợ đầu mối là không hề có những dụng cụ bảo quản, sơ chế chuyên biệt được vệ sinh đúng cách để xử lý các thực phẩm này.

Tại chợ đầu mối Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, điều kiện vệ sinh trong khu chợ cũng còn nhiều bất cập. Với diện tích gần 37.000 m2, chợ đã quy hoạch phân khu đối với từng ngành hàng, tuy nhiên chưa được thực hiện triệt để, khu quầy thịt, hải sản chưa có mái che. Bên cạnh đó, dụng cụ sơ chế như dao, thớt, thùng bảo quản chưa bảo đảm. Các hộ kinh doanh rau, củ, quả đổ trực tiếp xuống nền chợ hoặc lót tạm bằng bạt, bao tải không bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, tại một số khu vực kinh doanh còn hiện tượng đọng nước, đặc biệt, các hộ kinh doanh thải phế phụ phẩm để trực tiếp trên sàn chợ và cống thoát nước gây mất vệ sinh, có nguy cơ lây nhiễm vi sinh vật đối với thực phẩm.

Không những vậy, các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối còn chưa thực hiện việc ghi chép, lưu giữ hồ sơ nguồn gốc của sản phẩm đầy đủ, nhất là các hộ kinh doanh vãng lai. Ngoài ra, dù đã được nhắc nhở nhiều lần, song các hộ dân kinh doanh trong chợ vẫn sử dụng thùng sơn để muối dưa, cà hay bán đậu phụ… gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chợ Đền Lừ-chợ đầu mối phía Nam là một trong những đầu mối cung cấp nông, lâm, thủy sản lớn cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Chợ hoạt động 24/24 giờ với lượng tiêu thụ khoảng 300-500 tấn hoa quả, 120-150 tấn rau củ, các loại và thủy hải sản, gia súc, gia cầm khoảng 30 tấn. Với lượng hàng hóa buôn bán, kinh doanh lớn, song điều kiện vệ sinh của chợ không bảo đảm. Nhiều hộ kinh doanh vẫn đổ rau củ quả xuống đất bán mà chưa có kệ. Bên cạnh đó, rác thải, lá rau trong quá trình kinh doanh vẫn chưa được thu gom gọn gàng, sạch sẽ.

Ông Nguyễn Hữu Quân, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam cho biết, Trung tâm thường xuyên tiến hành nhắc nhở, tuyên truyền đến các hộ kinh doanh về quy định ATTP. Tuy nhiên, ý thức giữ gìn vệ sinh của một số hộ còn chưa cao.

Không chỉ chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh, việc quản lý ATTP ở các chợ đầu mối cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập do số hộ kinh doanh vãng lai (không ký hợp đồng với Ban Quản lý chợ) còn lớn. Đơn cử, tại chợ đầu mối Minh Khai, hàng ngày trung bình có khoảng 750 hộ kinh doanh tại chợ, trong đó mới có 580 hộ đã ký hợp đồng kinh doanh thường xuyên. Không những thế, tại các trục đường xung quanh nằm ngoài khuôn viên khu vực chợ vẫn diễn ra hoạt động kinh doanh khá sôi động.

Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thương mại Minh Khai cho biết, đây là những hộ rất khó quản lý, nhất là không kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm vì không kinh doanh cố định.

Tại chợ đầu mối Đền Lừ, tổng số hộ đang kinh doanh là 700 hộ, trong đó 200 hộ kinh doanh cố định, còn lại là vãng lai, chủ yếu kinh doanh nhóm mặt hàng rau, củ, quả tươi sống. Theo một cán bộ Trạm Thú y Hoàng Mai, đa số thực phẩm đã được kiểm soát nguồn gốc, song tình trạng bán hàng chui lủi, không rõ nguồn gốc vào chợ vẫn còn tồn tại, trong khi việc quản lý gặp nhiều khó khăn vì chợ có nhiều cổng, chặn cổng này thì các đối tượng lại “tuồn” hàng vào cổng khác. Hơn nữa, đối với các hộ kinh doanh vãng lai, hiện nay việc kiểm tra mới dừng lại ở giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, giấy phép kinh doanh, các giấy tờ liên quan và bằng cảm quan. Công tác lấy mẫu phân tích để giám sát còn hạn chế nên chưa có cơ sở để xử lý vi phạm.

Áp dụng mô hình doanh nghiệp quản lý

Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đề nghị Ban quản lý chợ đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát và tuyên truyền ATTP cho các hộ kinh doanh tại chợ. Cùng với đó, bổ sung các kệ hàng, thùng thu gom rác thải trong chợ.

Đặc biệt, xây dựng biểu mẫu sổ ghi chép về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và kiểm tra việc ghi chép của các hộ kinh doanh trong chợ. Trước mắt, cần tập trung làm tốt đối với các hộ kinh doanh cố định trong chợ, sau đó làm rộng ra toàn bộ các hộ kinh doanh vãng lai.

Mới đây, UBND TP.Hà Nội cũng vừa ban hành văn bản yêu cầu tăng cường quản lý một số chợ hạng 1, chợ đầu mối trên địa bàn sau giám sát đầu tư. Thành phố giao UBND các địa phương có chợ đầu mối phải kiểm tra, đôn đốc đơn vị quản lý chợ triển khai các giải pháp khắc phục yếu kém, tồn tại.

Đối với các chợ hạng 1 chưa kiểm tra, UBND các địa phương tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra và khắc phục ngay hoạt động, công tác quản lý chưa bảo đảm theo quy định. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy; rà soát phương án bố trí, sắp xếp, quản lý ngành hàng và các điểm kinh doanh; kiên quyết giải tỏa các hộ kinh doanh lấn chiếm, sử dụng diện tích chung của chợ không đúng quy định, các tụ điểm kinh doanh trái phép xung quanh chợ; sớm chuyển đổi mô hình ban quản lý chợ sang doanh nghiệp...

Đối với chợ Ngã Tư Sở, chợ Nành, chợ Vồi... đã xuống cấp, có nguy cơ cháy nổ cao gây mất an toàn cho người và tài sản: Giao UBND quận Đống Đa, UBND các huyện Gia Lâm, Thường Tín khẩn trương nghiên cứu, lấy ý kiến đồng thuận của các hộ kinh doanh để đề xuất UBND thành phố phương án đầu tư xây dựng, cải tạo trong năm 2018.

Theo Chính phủ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang