Quyết liệt đấu tranh với hàng giả, hàng lậu trên sàn thương mại điện tử

author 13:24 03/07/2021

(VietQ.vn) - Dịch Covid-19 bùng phát khiến cho nhu cầu mua sắm online của người dân tăng cao, nhờ đó, bán hàng qua mạng trở thành kênh kiếm tiền lý tưởng của nhiều người.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của các trang thương mại điện tử cũng tạo ra những mặt trái như, một số đối tượng đã lợi dụng các hình thức này để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng… Vì vậy, để chống hàng lậu trên thương mại điện tử, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp quyết liệt hơn.

Loạn hình thức livestream bán hàng

Là một tín đồ mua sắm online, chị Nguyễn Ngọc Linh (phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên dành thời gian rảnh rỗi để lướt Facebook, Shopee tìm các mẫu quần áo đẹp mắt. Dù khá tự tin về khả năng lựa chọn sản phẩm qua mạng của mình, nhưng không ít lần chị Linh vẫn mua phải những sản phẩm kém chất lượng nhưng có giá trên trời.

Theo chị Linh, ngày 28/6, chị có đặt mua một bộ quần áo của một cửa hàng thông qua hình thức livestream với giá 700.000 đồng. Thế nhưng khác xa với những gì người bán hàng giới thiệu, sản phẩm chị nhận được là một bộ đồ nhăn nhúm, chất xù, nhanh giãn.

“Khi tôi phản hồi lại với cửa hàng, câu trả lời mà tôi nhận được là khách đã nhận hàng không được phép đổi, trả. Sau một hồi đôi co cửa hàng đã chặn luôn Facebook của tôi”- chị Linh bức xúc.

Dễ dàng nhận thấy, các “sự cố” mua hàng online như chị Linh không phải là hiếm khi mà việc mua bán hàng trên các trang thương mại điện tử đã trở thành xu hướng và ngày càng trở nên khó kiểm soát.

Mua sắm online đã trở thành thói quen của nhiều người. 

Ngày nay, lướt một vòng trên Facebook, Tiktok…, không khó để bắt gặp những livestream bán quần áo, đồ ăn, giày dép và cả những sản phẩm có giá trị như điện thoại, vàng bạc, laptop, hàng xách tay… cũng được bán tràn lan trên các video phát trực tiếp.

Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực mà hình thức bán hàng mới này đem lại, tuy nhiên, livestream cũng đã bộc lộ những lỗ hổng về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là đối với sản phẩm được bán trên mạng xã hội, chưa qua kiểm duyệt của các sàn thương mại điện tử và cơ quan chức năng.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, liên tục trong thời gian ngắn, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ hàng loạt vụ tập kết, vận chuyển mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng mà các đối tượng chủ yếu lợi dụng hình thức livestream trên mạng xã hội để tiêu thụ.

Mới đây, vụ việc một kho hàng lậu tại thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn (huyện Ba Vì) bán hàng qua mạng xã hội thông qua hình thức livestream bị Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, xử lý đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm, kho hàng này đã có hơn 655.000 đơn hàng chốt bán, trung bình 1 ngày có hơn 3.600 đơn mua hàng. Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện các điểm bán hàng lậu, hàng giả thông qua hình thức livestream.

Nhiều loại nước hoa, mỹ phẩm làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng bị thu giữ. 

Ngày 22/6, Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục quản lý thị trường Hà Nội) đã tiến hành khiểm tra 8 kho hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội, qua đó thu giữ hàng nghìn sản phẩm giày dép thời trang làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Versace, Gucci, Adidas, LV, Burberry, Chanel, Dior...

Được biết, các cơ sở kinh doanh này hoạt động chủ yếu bằng hình thức online, livetreams bán hàng qua mạng xã hội Facebook và qua một số nền tảng thương mại điện tử.

Nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, chủ cơ sở thường xuyên đóng cửa, chỉ khi có giao dịch hàng hóa, chủ hàng mới mở cửa, mang hàng đi cho khách.

Cần có sự quản lý chặt chẽ

Thực tế cho thấy, dù lực lượng Quản lý thị trường liên tục phát hiện, triệt phá các cơ sở kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua hình thức livestream nhưng việc xử lý lại không dễ.

Theo ông Chu Xuân Kiên, khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa được phân tán nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, đặc biệt, nhiều địa điểm hoạt động kinh doanh trực tuyến nằm trong nhà dân, khu chung cư, khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận, kiểm tra, xử lý.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra các sản phẩm có dấu hiệu bị làm giả. 

Để ngăn chặn hàng lậu, hàng kém chất lượng, hiện nay các sàn thương mại điện tử cũng đang có sự phối hợp chung tay với lực lượng chức năng để bảo vệ người tiêu dùng. Đơn cử như với trang thương mại điện tử Lazada, trang này đang thực hiện việc kiểm tra và rà soát liên tục. Khi phát hiện hoặc nhận được cảnh báo liên quan tới hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ xử phạt từ đình chỉ đến đóng cửa vĩnh viễn gian hàng.

Tương tự, Shopee sẽ chỉ trả tiền cho người bán khi khách hàng hài lòng với sản phẩm; người mua có thể trả hàng trong vòng 7 ngày và nếu phát hiện người bán vi phạm có thể chủ động báo cáo qua công cụ tương tác…

Về phía các cơ quan chức năng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, nắm thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng bán hàng trên mạng có dấu hiệu bán hàng giả, hàng nhái, thậm chí xử lý hình sự đối với những trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Trên góc độ kinh tế, các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn tình trạng livestream bán hàng giả, hàng lậu trên mạng xã hội, đòi hỏi cơ quan quản lý sửa đổi các quy định pháp luật phù hợp thực tế.

Bởi livestream là một hình thức thương mại nên phải đăng ký kinh doanh, khi phát sinh thu nhập thì tổ chức và cá nhân có thu nhập phải nộp thuế theo quy định, giống như các Youtuber. Vì vậy, Nhà nước cần có quy định pháp luật để định hướng, quản lý ngành nghề này hoạt động theo đúng pháp luật.

Còn theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Văn phòng Luật sư Kết nối), một trong những nguyên nhân là do hệ thống văn bản pháp luật chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ, mô hình, phương thức kinh doanh mới.

Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (ngày 26/8/2020) của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cá nhân kinh doanh hàng lậu bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy thuộc giá trị hàng hóa; tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 100 triệu đồng. Mức phạt này mặc dù tăng so với trước đây, song chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận mà đối tượng vi phạm thu được.

“Với tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến thị trường trong nước của buôn bán hàng lậu, cần xem xét bổ sung thêm hình thức xử lý hình sự. Thực tế, số vụ vi phạm bị phát hiện nhiều nhưng số vụ truy tố rất ít. Đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức, chủ động tố giác hành vi buôn lậu và từ chối mua, bán hàng lậu, hàng nhái nói chung, trên thương mại điện tử nói riêng”- ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Lao động Thủ đô

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang