Rùng mình công nghệ 'hô biến' mỹ phẩm vài ngàn đồng thành hàng hiệu

authorMinh Hà 09:35 28/06/2017

(VietQ.vn) - Một cơ sở sản xuất mỹ phẩm hàng hiệu giả mạo với công đoạn bẩn thỉu vừa bị phát hiện tại Trung Quốc khiến ai cũng phải giật mình. Trong khi đó tại Việt Nam cũng xuất hiện hàng loạt vụ việc tương tự khiến người tiêu dùng hoang mang.

Mới đây ngày 25/6, cảnh sát ở ở thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã phát hiện 1,79 triệu sản phẩm mỹ phẩm giả mạo như kem dưỡng da, son môi… và 4 triệu hộp bao bì rỗng, ước tính, tổng số tang vật thu được có giá trị lên tới hơn 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 332 tỷ đồng).

Được biết, số mỹ phẩm này được sản xuất tại một cơ sở tư nhân không đảm bảo chất lượng. Điều đáng nói là cơ sở này sản xuất mỹ phẩm chỉ tốn vài tệ nhưng dán nhãn mác giả mạo các thương hiệu trên thế giới và bán ra thị trường 100-300 nhân dân tệ .

Các mỹ phẩm giả mạo này được sản xuất trong một gian phòng chật chội với dây chuyền bẩn thỉu. Để tạo màu đỏ, hồng cho son, cơ sở này dùng các phẩm màu không đảm bảo. Tại hiện trường còn có các xô nhựa đựng phẩm màu được pha để đưa vào dây chuyền tạo thành các thỏi son.

Các thùng chứa và máy móc nhão nhoét son và phẩm màu. Nhưng, sau khi ra lò, chúng được gắn mác là hàng hiệu nổi tiếng nên người tiêu dùng rất dễ bị sập bẫy mà không hề hay biết đang mua phải sản phẩm chất lượng kém, dễ gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng.

Hơn 76 người liên quan đã bị bắt, trong đó chủ đường dây là cặp vợ chồng tên là He và Yang.

Cận cảnh dây chuyền sản xuất mỹ phẩm giả tại Trung Quốc.

Dây chuyền sản xuất trong một căn phòng chật chội,...

... bẩn thỉu...

... và thô sơ.

Nhưng khi ra lò, các sản phẩm này được gắn mác hàng hiệu và được đội giá "khủng".

Chúng được đóng trong hộp dưới mác giả của thương hiệu lớn.

Thời gian gần đây tại Việt Nam cũng đã bắt giữ hàng loạt vụ việc liên quan tới mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Mới đây nhất tại TP. Vinh (Việt Nam), đội cảnh sát môi trường đã bắt 1 cơ sở sản xuất các loại mỹ phẩm không hợp pháp.

Theo đó, vụ việc được phát hiện hôm 9/5, lực lượng công an đã bắt quả tang gia đình anh Nguyễn Tiến Chung (sinh năm 1986 trú tại số 12 ngõ 17 đường Cù Chính Lan, thuộc khối 7 - phường Trung Đô - thành phố Vinh), đang tự pha chế, sản xuất các loại mỹ phẩm khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.

Tại đây, cơ quan chức năng đã thu giữ 97 gói bột mặt nạ tái sinh loại 60g/gói; 95 gói bột tắm trắng Moonkute loại 400g/gói, 57 hộp kem dưỡng trắng da toàn thân loại 180ml/hộp; 512 vỏ bao sản xuất bột mặt nạ chưa có nhãn mác; 161 nhãn mác bột mặt nạ tái sinh; 160 vỏ và nắp hộp kem dưỡng thể Haziline loại 370ml/hộp đã qua sử dụng và 5,8kg bột màu vàng đậm; 26kg bột màu xanh; 20 kg bột màu vàng nhạt là nguyên liệu chế biến các loại mỹ phẩm.

Nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm giả được phát hiện tại TP. Vinh. Ảnh: Đài PTTH Nghệ An

Tương tự, vào hồi giữa tháng 4, cơ quan chức năng cũng phát hiện cơ sở làm giả mỹ phẩm quy mô lớn tại Gia Lai. Theo đó, đội quản lý thị trường lưu động thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai phối hợp Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế công an TP Plây Cu đã bắt quả tang tại căn nhà 15 Trần Bội Cơ, do bà Lê Thị Thu Ngọc làm chủ, lượng lớn mỹ phẩm và các nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Khám xét cơ sở này, đoàn kiểm tra đã phát hiện khoảng 300 thùng các-tông trong đó chứa đựng các loại vỏ hộp, bột màu, hương liệu, tem, nhãn mác và hơn 5.000 cây son môi thành phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc, không hóa đơn, chứng từ.

Số hàng được đưa về Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Nói về tác hại khi sử dụng mỹ phẩm giả, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Diệp, Trưởng Phòng khám Da liễu, Cơ sở 2, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM từng chia sẻ trên tờ VnExpress, bệnh nhân sử dụng mỹ phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc có rất nhiều hóa chất gây phản ứng kích ứng rất mạnh, đặc biệt là corticoid. Các trường hợp này ngày càng phổ biến.

Theo giải thích của BS. Diệp, chất corticoid là chất kháng viêm cực mạnh được sử dụng hạn chế trong điều trị các bệnh lý da như viêm da dầu, viêm da tiếp xúc, tổ đỉa, ban đỏ, vảy nến. Chính nhờ tác dụng bào mỏng da, làm giãn mao mạch, gây teo da nên khi sử dụng chất này thời gian đầu sẽ thấy da trắng hồng rất đẹp, giảm hẳn mụn. Tuy nhiên sau đó bệnh nhân sẽ bị teo da, vùng da mỏng như mặt thường bị teo da nhanh nhất. Các dấu hiệu thường gặp là rối loạn sắc tố da, rậm lông, nổi mụn trứng cá, viêm da nặng...

Cũng theo B.S Diệp, nắm bắt được tâm lý của người Việt Nam thích da trắng nên hiện nay không ít cơ sở mỹ phẩm cho ra nhiều sản phẩm được quảng cáo là làm trắng da cấp tốc, song thực tế khó biết thành phần hóa chất độc hại trong loại hàng này. Các loại kem nhái, kém chất lượng, không ghi rõ thành phần, không ghi nguồn gốc xuất xứ được bày bán phổ biến tại các sạp, chợ, trên mạng, cửa hàng... Trên bao bì quảng cáo rất bắt mắt nhưng thực chất là hàng giả. 

 

Minh Hà (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang