Rút ngắn thời gian thử nghiệm cho doanh nghiệp nhập khẩu thép

author 11:06 31/08/2014

(VietQ.vn) - Có thể nhận thấy, một trong những vướng mắc hàng đầu của doanh nghiệp là thời gian trả kết quả từ phía các cơ quan kiểm duyệt chất lượng thép, vậy làm thế nào để rút ngắn thời gian thử nghiệm cho các doanh nghiệp?

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Báo cáo tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn về nhập khẩu thép cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết: “Trong năm 2013, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được 5,5 triệu tấn phôi thép, 10,2 triệu tấn thép thành phẩm các loại. Thép sản xuất được trong nước cung đã vượt cầu. Tuy nhiên, một số loại thép chúng ta chưa tự sản xuất được vì không không có công nghệ và chưa đầu tư nghiên cứu như thép hợp kim, thép không gỉ, thép tấm cán nóng, các loại thép phục vụ công nghệ chế tạo cơ khí, thiết bị điện…

Để quản lý chất lượng thép trong nước và thép nhập khẩu, từ ngày 31/12/2013, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Thông tư liên tịch Số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN - Quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu với mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm và tránh gian lận trong thương mại. Tuy nhiên trong quá trính thực hiện thông tư, các doanh nghiệp nhận thấy vẫn còn những vấn đề vướng mắc, chưa được thuận lợi, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh như: Mất thêm thời gian từ 3 – 20 ngày để chờ đăng ký kiểm tra chất lượng của cơ quan kiểm định; tăng thêm chi phí để phục vụ cho các cơ quan trong quá trình kiểm tra, kiểm định; Mất thêm thời gian chờ kết quả thẩm định mới được thông quan để đưa hàng vào phục vụ sản xuất (trong khi hàng về tới kho chưa được xuất kho để sản xuất, ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng, tăng chi phí vay vốn).

Vì vậy, tại Hội nghị, đại diện Bộ Công Thương; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ; Cục Hải quan Hà Nội; Sở Công Thương HN; Sở Kế hoạch và Đầu tư HN đã giải đáp thắc mắc về Thông tư 44 đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình nhập khẩu thép.

Rút ngắn thời gian thử nghiệm cho doanh nghiệp

Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn về nhập khẩu thép cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội” . Ảnh H.G

Rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp

Một trong những vấn đề được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu là thời gian trả kết quả từ phía các cơ quan có thẩm kiểm duyệt chất lượng thép. Tại Hội nghị, ông Mai Văn Đới, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nồi hơi Việt Nam cho biết khó khăn mà doanh nghiệp vướng mắc về vấn đề thời gian: Công ty của ông Đới đăng ký sản phẩm nhập khẩu để tiến hành kiểm tra thử nghiệm với Bộ Công Thương vào đầu năm. Tuy nhiên, trong năm, công ty của ông nhập khẩu phát sinh rất nhiều loại thép khác không có trong danh mục đăng ký với Bộ. Vì vậy, phải đăng ký bổ sung. Quy trình này mất thêm nhiều thời gian và chi phí. Có trường hợp chờ kiểm định lên tới 1 tháng 7 ngày, không kịp thông quan gây tình trạng tồn kho, ảnh hưởng đến sản xuất.

Giải đáp thắc mắc trên, ông Trần Thanh Bình, đại diện Cục Hải quan thành phố Hà Nội cho biết: Đối với các doanh nghiệp đăng ký đơn hàng bổ sung nhiều lần trong năm, về mặt thời gian, đã có những quy định rất cụ thể bằng văn bản. Theo quy định, thời gian doanh nghiệp phải chờ tối đa là 20 ngày để nhận kết quả xác nhận, và việc đăng ký xác nhận đơn hàng bổ sung không mất phí.

Bên cạnh đó, để rút ngắn thời gian chờ đợi, thử nghiệm, theo ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Về việc tiến hành thử nghiệm sản phẩm, các cơ quan quản lý phải phục vụ cho doanh nghiệp. Thời gian đã được quy định rõ ràng, vì vậy, nếu có chậm trễ, các doanh nghiệp cần nhanh chóng kiến nghị bằng văn bản tới Tổng cục, chậm nhất trong 2 tuần, phía doanh nghiệp sẽ nhận được kết quả.

Các doanh nghiệp cũng có quyền lựa chọn các đơn vị thử nghiệm thông qua danh sách mà Tổng cục đã công bố. Hiện nay ở miền Bắc không chỉ có đơn vị Quatest 1 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mà còn có 2 đơn vị khác là Vinacontrol và Vinacomin cũng tiến hành việc kiếm tra chất lượng thép phục vụ các doanh nghiệp. Để tránh tính trạng quá tải, các doanh nghiệp nên lựa chọn đơn vị thử nghiệm phù hợp.

Để tiết kiệm thời gian, hiện nay Tổng cục có thừa nhận kết quả kiểm tra của đơn vị đánh giá nước ngoài. Cụ thể, khi doanh nghiệp nhập khẩu thép có chứng nhận kiếm tra chất lượng ở nước ngoài, thì về Việt Nam không cần tiến hành kiểm tra lại nữa. Bên cạnh đó, sau 3 lô hàng nhập khẩu liên tiếp được thử nghiệm, đến lô hàng thứ 4, các doanh nghiệp có thể được miễn giảm kiếm tra hoặc chỉ kiểm tra xác suất. Thậm chí, để đảm bảo thời gian cho doanh nghiệp, các lô hàng có thể tiến hành hậu kiểm.

Thủ tục xin xác nhận miễn giảm kiểm tra đối với lô hàng nhập khẩu thứ 4 trở lên sẽ mất 10 ngày. Trong thời hạn này, cơ quan quản lý phải hoàn thành mọi thủ tục. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp cũng cần chú ý, trong quá trình nộp hồ sơ, phải đảm bảo đầy đủ, đúng thủ tục, sắp xếp chi tiết và nộp tại văn thư để đóng dấu chứng nhận ngày nộp. Nếu làm đúng theo quy trình này, tối đa 10 ngày, doanh nghiệp sẽ nhận được kết quả.

Ông Trần Văn Vinh cho biết thêm: Mỗi năm Tổng cục xây dựng thêm khoảng 100 tiêu chuẩn mới, nhưng không thể bao quát toàn bộ để phù hợp với từng doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp khi nhận thấy lĩnh vực nào cần xây dựng tiêu chuẩn thì nên kiến nghị với Tổng cục để giải quyết những vướng mắc đồng thời phù hợp với lợi ích của bản thân doanh nghiệp.

Sắp tới, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng sẽ có những hướng dẫn cụ thể để những đơn vị thử nghiệm cũng như các Tổ chức Chứng nhận phù hợp sẽ hoàn thành nhanh nhất việc thử nghiệm cho doanh nghiệp. Qua đó giúp giảm thiểu chi phí lưu kho, đồng thời giúp doanh nghiệp kịp tiến độ sản xuất.

Sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Thông tư 44

Tại hội nghị lần này, các doanh nghiệp đã mạnh dạn kiến nghị sửa đổi một số điều khoản của Thông tư 44. Trước mắt, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương sẽ tiến hành tham vấn các cơ quan quản lý về doanh nghiệp, lấy ý kiến của họ về việc sửa đổi, bổ sung thông tư 44. Việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước.

Cụ thể, thứ nhất là điều chỉnh ở Phụ lục I về Danh mục các loại thép và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép.

Thứ 2 là giới hạn việc xem xét khi kiểm định các thành phần hóa học, tính chất cơ lý một số sản phẩm thép được các doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam.

Với phụ lục II trong Thông tư quy định hàm lượng nguyên tố Cr có chứa trong thép hợp kim từ 0,3% trở lên cũng sẽ được điều chỉnh để giảm tối đa đối tượng doanh nghiệp cần phải kiểm tra chất lượng.

Việc điều chỉnh này nhằm mục tiêu đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng, chống gian lận thương mại, đồng thời bảo đảm cho việc thông quan và thuận lợi cho doanh nghiệp khi nhập khẩu thép.

Ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương khẳng định: Việc áp dụng Thông tư 44 đem lại rất nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cụ thể, các doanh nghiệp khi nhập khẩu sau khi được thử nghiệm, có thể công bố tới người tiêu dùng về chất lượng đã được kiểm định. Từ đó, tăng uy tín cho doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng dễ dàng định hướng, lựa chọn sản phẩm, tránh hàng kém chất lượng, tránh gian lận trong thương mại và tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước.

Vì vậy, Liên bộ sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều khoản, nhưng các doanh nghiệp cũng cần nghiêm túc thực hiện theo Thông tư 44 về chất lượng thép.

Hương Giang

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang