Sáng chế của ‘kỹ sư chân đất’ giúp giải bài toán năng suất

author 16:37 30/11/2015

(VietQ.vn) - Ông Chu Văn Quỳnh (SN 1957) ở thôn Rèn, xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã làm ra nhiều máy móc nông cụ tiện ích phục vụ sản xuất, giúp cắt giảm chi phí và tăng năng suất lao động.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Với tâm niệm giúp bà con nông dân và chính gia đình mình cắt giảm được chi phí, rút ngắn thời gian lao động mà vẫn đảm bảo nâng cao năng suất làm việc, ông Chu Văn Quỳnh (SN 1957) ở thôn Rèn, xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã làm ra nhiều máy móc nông cụ tiện ích phục vụ sản xuất. Nổi bật nhất trong đó là sản phẩm đầu tay của ông – máy tuốt lúa hộ gia đình.

Máy chạy bằng điện với động cơ 750W, tuốt một sào lúa chỉ mất khoảng 20 phút, không làm đứt bông, không nát rơm, sạch, hạt thóc không bị vỡ, an toàn với người sử dụng. Đặc biệt chiếc máy được thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng vận chuyển, tháo lắp; có thể sử dụng xăng thay thế động cơ điện để mang ra tận ruộng làm việc, giảm công vận chuyển lúa về nhà.

Ông Chu Văn Quỳnh đã chế tạo ra nhiều loại nông cụ tiện ích giúp bà con nông dân tăng năng suất, hiệu quả công việc

Ông Chu Văn Quỳnh đã chế tạo ra nhiều loại nông cụ tiện ích giúp bà con nông dân tăng năng suất, hiệu quả công việc

Chiếc máy tuốt lúa của ông Quỳnh ra đời giúp người dân vùng cao nơi đây sản xuất thuận lợi hơn. Không dừng lại ở thiết kế ban đầu, hằng năm ông vẫn tiếp tục cải tiến hoàn thiện sản phẩm của mình. Đến nay, máy được thiết kế để thóc và rơm ra bằng hai cửa khác nhau, không mất công rũ rơm như trước. Nhờ đó, sản phẩm máy tuốt lúa của ông Quỳnh đã đoạt giải Ba Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông năm 2009”.

Ngoài máy tuốt lúa, ông Quỳnh còn cải tiến thành công giàn máy cày tay và được trao giải Khuyến khích trong Cuộc thi: “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang năm 2013” và giải Nhì Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang lần thứ 5” trong năm này.

Để giàn máy cày tay phù hợp với ruộng bậc thang nhỏ hẹp, ông đã cắt bỏ, lắp lại một số bộ phận để điều chỉnh nông, sâu, sang trái, sang phải di động và cố định khi vận hành, giúp người sử dụng không mất nhiều sức điều khiển; đất ruộng có gốc rạ lưỡi cũng không bị mắc. Sau cải tiến, máy giảm từ 25 kg xuống còn 13 kg nên dễ tháo lắp, vận chuyển, cày được sát bờ, lưỡi cày di chuyển ổn định, lật đất tốt, không vướng rạ, nhanh gấp đôi so với khi chưa cải tiến.

Sản phẩm mới nhất mà nhà sáng chế nông dân Chu Văn Quỳnh chế tạo thành công, mới đây được mang đi dự triển lãm khoa học công nghệ quốc gia tại Hà Nội là máy tách hạt ngô. Máy có kích thước nhỏ, gọn, ưu điểm nổi trội hơn các sản phẩm bày bán trên thị trường là: Trục tách hạt được thiết kế theo chiều dọc chia làm hai rãnh tạo thế bàn tay vặn theo chiều từ dưới lên. Máy chạy bằng động cơ điện một pha, không mất sức ấn bắp ngô vào máy mà chỉ cần thả nhẹ.

Đặc biệt nhờ chế tạo trục thật tròn nên hạt ngô không bị vỡ. Công suất đạt 5 tạ ngô/giờ. Ông cho biết sáng kiến này ra đời sau những ngày hai vợ chồng đập, tách ngô thủ công, cả ngày làm miệt mài mới được 1 thúng đầy. Cũng mất 5 năm mày mò hết lắp lại tháo, đến nay máy tách hạt ngô đã được nhiều người dân nhiều nơi mua về sử dụng.

Những máy móc ông Quỳnh chế tạo phù hợp với điều kiện sản xuất ở vùng cao nên được nhiều người dân ở các huyện và tỉnh miền núi đặt mua. Tính đến nay, ông đã bán được khoảng 5 nghìn chiếc máy tuốt lúa, 300 cặp bánh lồng, hàng trăm chiếc lưỡi cày và hàng trăm chiếc máy tách hạt ngô.

Được biết, hiện ‘kỹ sư chân đất’ Chu Văn Quỳnh vẫn tiếp tục mày mò cải tiến những sản phẩm của mình và nghiên cứu để cho ra đời thêm chiếc máy cấy lúa mini phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con nơi đây, nhằm giúp người dân vơi đi sự vất vả trong lao động, tăng năng suất, hiệu quả công việc.

Phan Huyền

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang