Sau ‘lệnh’ thu hồi 3 lô C2, Rồng đỏ nhiễm chì: Người dùng tẩy chay, sức mua sụt giảm?

authorDương Phương Ngọc 06:20 24/05/2016

(VietQ.vn) - Sau khi Bộ Y tế có “lệnh” thu hồi 3 lô C2, Rồng đỏ nhiễm chì vượt mức, theo khảo sát tại một số siêu thị sức mua các sản phẩm này đã giảm đáng kể.

Những ngày qua, dư luận trong nước xôn xao trước việc Thanh tra Bộ Y tế có thông báo tạm dừng lưu thông và tiến hành thu hồi 3 lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ của công ty URC Việt Nam vì kết quả xét nghiệm cho thấy có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Đã hai ngày trôi qua kể từ khi “lệnh” thông báo thu hồi được phát ra, URC vẫn chưa có bất cứ lời xin lỗi nào gửi tới người tiêu dùng. Trong lúc này, nhiều người tiêu dùng đang bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng sản phẩm của URC, thậm chí, một số khách hàng còn khẳng định: Sau thông tin C2 nhiễm chì, họ không dám uống thứ nước giải khát quen thuộc này nữa.

Thêm 2 lô C2 và Rồng đỏ 'nghi' nhiễm chì nặng, URC nói gì?(VietQ.vn) - Việc phát hiện thêm 2 lô C2 và Rồng đỏ “nghi” nhiễm chì nặng, URC đã gửi công văn đề nghị được làm việc với Bộ Y tế để làm rõ các kết quả kiểm nghiệm.

Chính vì lý do đó, theo ghi nhận của PV Chất lượng Việt Nam, sức tiêu thụ của 2 sản phẩm trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ tại một số siêu thị, đại lý, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội đã giảm đi đáng kể.

Siêu thị: “C2 bán rất chậm”

Chị Hồ Thị Hải, nhân viên phụ trách bán hàng quầy nước giải khát tại siêu thị Thành Đô (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Trước đó, C2 là loại nước uống bán chạy nhất trong số các loại nước giải khát, người dùng thường mua lốc (4 chai) chứ không mua lẻ. Đặc biệt là loại to (500ml) với mức giá rẻ hơn loại 360ml luôn rất hút khách. Nhưng mấy ngày gần đây, sản phẩm C2 bán rất chậm.

“Ngày trước vào các buổi tối và ngày chủ nhật, tôi phải bóc nước ra bán liên tục nhưng giờ thì ít hơn. Một buổi trực của tôi ngày trước, mỗi chủ nhật bán được 5 – 6 thùng C2 bé và khoảng 10 thùng C2 loại to còn ngày bình thường bán được 1 – 2 thùng cả lẻ cả lốc nhưng chủ nhật tuần vừa rồi, siêu thị không bán được thùng nào” – chị Hải nói.

 Mặc dù giá của C2 đã giảm xuống còn 4.600 đồng/chai nhưng sức mua vẫn chậm.

Chị Hải cũng nhấn mạnh: Đợt này lượng hàng C2 về ít do sức tiêu thụ giảm. “Bản thân nhân viên của siêu thị cũng không dám uống” – chị Hải bày tỏ.

Cũng theo chị Hải: Thu ngân của Thành Đô sau khi đọc thông tin trên mạng internet về việc thu hồi 3 lô C2, Rồng đỏ nhiễm chì nặng cũng đã kiểm tra hàng hóa của URC đang bày bán tại siêu thị, tuy nhiên, những sản phẩm trên kệ hàng không nằm trong lô bị thu hồi.

Đối với nước tăng lực Rồng đỏ, chị Hải cho biết: Sản phẩm này siêu thị bán giá rẻ 2.500 đồng/chai nên các mối buôn thường lấy về để bán lẻ ở các vỉa hè hoặc cổng trường học với mức giá độ lên thành 5.000 đồng/chai. Tuy nhiên, chị Hải thông tin: Đợt này cũng không thấy các mối buôn lấy nhiều.

“Mỗi tuần siêu thị thường lấy hàng về từ 5 – 7 thùng Rồng đỏ. Ngày trước đều bán hết sạch, các lái buôn có người đến lấy 2 – 3 thùng một lúc. Vào đầu tháng 5, hàng về ít nhưng bán được nhiều nhưng 2 tuần nay, hàng về nhiều nhưng lại bán được ít, do vậy, Rồng đỏ vẫn đang chất đống ở ngoài kho” – chị Hải vừa bật mí vừa chỉ tay về phía nhà kho của siêu thị nhằm minh chứng cho lời nói này.

 Rồng đỏ ế ẩm tại siêu thị Thành Đô sau "lệnh" thu hồi 3 lô nhiễm độc chì của Bộ Y tế. 

Có mặt tại siêu thị Fivimart trên đường Lê Đức Thọ (kéo dài) vào ngày 23/5, trên kệ hàng bày bán rất nhiều nước uống giải khát, người dùng không nhìn thấy sự hiện diện của nước trà xanh C2. Đem thắc mắc này hỏi siêu thị thì được được một nữ nhân viên tiếp thị trả lời rằng: “Từ hồi tôi vào làm việc ở đây từ hồi tháng 8 năm ngoái đã không thấy Fivimart bán C2. Tôi cũng không biết vì sao, không hiểu vì sức mua chậm hay do công nợ hay như thế nào?!”.

Khi PV Chất lượng Việt Nam quay sang hỏi một người tiêu dùng đang mua sắm tại siêu thị này, chị Trần Thúy An, giáo viên đang giảng dạy tại một trường Đại học tại Hà Nội cho hay: “Từ lâu rồi, sau khi nghe thông tin về vụ C2 tặng người dân hàng sắp hết date (hết hạn), tôi đã không uống C2 nữa. Mới đây, lại nghe tin về việc C2 nhiễm độc chì, tôi cũng sợ không dám uống”.

Đại lý nhỏ lẻ: Trước bán 10, giờ chỉ được 3

Không chỉ sức mua tại một số siêu thị giảm sút, theo khảo sát của PV, ở các đại lý hay các quán nước vỉa hè nhỏ lẻ khác, lượng hàng C2, nước tăng lực Rồng đỏ bán ra cũng chậm lại so với thời điểm trước đó.

Bà Phạm Hậu (một tiểu thương bán lẻ tại ngõ 93 đường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Bình thường, mỗi ngày, quán tạp hóa nhỏ chừng 50 m2 của bà bán được 10 chai C2 cho các sinh viên trường Tài nguyên Môi trường, tuy nhiên, thời điểm này, mỗi ngày bà chỉ bán được khoảng 3 chai, như vậy, sức mua giảm 70% so với trước.

Bà Hậu cũng tâm sự: Các bạn hàng của bà cũng than thở: Dạo này, các sản phẩm này bán chậm dù thời tiết vào hè đã bắt đầu nóng nực. Các “đầu nậu” thông thường mỗi tháng có 7 – 8 mối bán buôn tới lấy một vài thùng/lần nhưng hiện tại, lượng khách đến lấy hàng cũng thưa thớt hơn, chỉ chừng 2 – 3 mối.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, khi nhắc tới tên C2 và Rồng đỏ, ông Đỗ Thành Trung, một công nhân làm việc tại khu vực Phương Canh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã vội xua tay: “Trước đây, tôi và những người thân trong gia đình uống C2 nhiều. Nhưng tôi mới đọc được các cảnh báo về C2 nhiễm độc chì trên Facebook. Tôi thấy quá độc hại. Mặc dù C2 chỉ nhiễm chì ở 3 lô sản phẩm thôi, nhưng công ty đã để mất uy tín trong mắt người dùng. Tôi đã chuyển sang uống loại khác”.

Không chỉ ông Trung, nhiều người tiêu dùng khác cũng hoang mang bày tỏ: Không biết còn bao nhiêu lô C2, Rồng đỏ nhiễm chì độc hại khác nữa, bởi các cơ quan chức năng chưa kiểm tra, kiểm định hết tất cả các sản phẩm lưu thông trên thị trường, làm sao dám khẳng định: Chúng không nhiễm độc?

Bởi qua sự cố vừa rồi, chủ thương hiệu C2, Rồng đỏ đã khiến người dùng mất lòng tin bởi họ không có trách nhiệm với tính mạng của con người, họ công bố và cam kết: Sản phẩm có hàm lượng chì nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l, trong giới hạn cho phép nhưng sự thật thì lại không phải như thế! 

Hơn nữa, URC cũng chậm chễ trong việc thu hồi sau khi phát hiện sản phẩm của mình có chứa chì độc hại, điều đó đã khiến người dùng hồ nghi: URC có thật sự quan tâm sức khỏe của người dùng?! Lẽ ra ngay từ đầu, khi có kết quả  sản phẩm vượt ngưỡng chì của đơn vị kiểm nghiệm, URC phải ngay lập tức tịch thu và tiêu hủy nhưng URC lại không làm việc đó?!

Ngay cả khi, họ bị "tố" thêm 2 bằng chứng của Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia cho thấy: Ngoài 3 lô bị Bộ Y tế thu hồi còn 2 lô khác cũng nhiễm chì vượt mức. Nhưng cũng giống như lần trước, URC chỉ "bị động" chờ quyết định của Bộ Y tế, thay vì có các biện pháp xử lý mạnh tay đối với lô hàng trong diện "nghi vấn không an toàn" của mình?!

Và cũng vì sự chậm trễ này, hàng triệu người tiêu dùng Việt có thể sẽ "lãnh đủ" khi uống vào cơ thể thứ đồ uống nhiễm chì độc hại được sản xuất từ cuối năm ngoái và tháng 2 năm nay mà nhiều khả năng, số lượng hàng trăm nghìn chai C2, Rồng đỏ "bẩn" này đã được tiêu thụ hết, không còn hàng tồn kho?!

 Ông Đỗ Thành Trung, một khách hàng mua sắm tại siêu thị đã "nói không với C2, Rồng đỏ".

Trước đó, PGS.TS.BS Đỗ Thị Kim Liên hiện đang công tác tại Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên trưởng Khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia đã chỉ ra các tác hại khôn lường của các thực phẩm nhiễm chì vượt mức.

Bà Liên phân tích: Chì thuộc kim loại nặng, bình thường trong cơ thể chúng ta không có nhu cầu dung nạp chì, bởi đó là chất độc. Chì cực nguy hiểm cho con người khi bị nhiễm bởi nó tích lũy lâu nhưng thải trừ rất chậm ra khỏi cơ thể.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Thị Kim Liên: Nếu cơ thể dung nạp chì với hàm lượng nhiều, nạn nhân thường có biểu hiện ngay về thần kinh như hôn mê, co giật,… Đặc biệt, nếu trẻ em bị nhiễm độc chì không những ảnh hưởng ngay lúc ấy mà còn bị ảnh hưởng di chứng về sau như chậm phát triển trí tuệ, nhận thức, nhiều trường hợp gây chứng tăng động, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến mắt, gây liệt và nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Bác sỹ Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khuyên: “Người dân nên hạn chế uống nước đóng chai bởi từ lâu, nước đóng chai đã được khuyến khích là không nên sử dụng nhiều bởi nó không tốt cho sức khỏe”.

Ngày 20/5/2016, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định tạm dừng lưu thông và thu hồi 3 lô hàng của URC gồm:

Lô Trà xanh hương chanh C2, NSX 04/02/2016 - HSD 04/02/2017. Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là: 0,085 mg/L; Mức công bố là: Nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/L.

Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, NSX 19/02/2016 - HSD 19/11/2016 có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là: 0,053 mg/L; Nhà sản xuất công bố hàm lượng chì nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/L.

Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, NSX 10/11/2015 - HSD 10/08/2016; Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là 0,068 mg/L; Nhà sản xuất công bố nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l.

Thêm vào đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu URC báo cáo cụ thể số lượng sản phẩm đã sản xuất, đã bán, sảm phẩm tồn kho và địa bàn bán. Báo cáo này phải gửi về Thanh tra Bộ Y tế trong ngày 23/5/2016.

Ngoài 3 lô C2, Rồng đỏ bị Bộ Y tế thu hồi, trên cộng đồng mạng cũng lan truyền thêm 2 kết quả kiểm nghiệm khác của Viện Kiểm nghiệm An toàn Thực phẩm Quốc gia (NIFC), trong đó chứng minh: Còn có 2 lô hàng nữa của URC (sản xuất 11/1/2016 và 14/1/2016) cũng nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.

Về “nghi vấn” phát hiện thêm 2 lô C2, Rồng đỏ nữa nhiễm độc chì nặng, phía công ty URC đã yêu cầu được làm việc với Bộ Y tế để làm rõ các kết quả kiểm nghiệm này.

Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng mong muốn: URC sớm có động thái thu hồi với 2 lô nhiễm chì mới phát hiện này vì sức khỏe của các khách hàng.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang