Sẽ kiểm định chất lượng lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên về Việt Nam

author 14:40 24/02/2021

(VietQ.vn) - Hôm nay, chuyến bay mang những liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Lô hàng gồm 117.600 liều vaccine COVID-19 đầu tiên có mặt trong nước. Tại lễ tiếp nhận có Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường; bà Emily Hamblin, Tổng Lãnh sự Anh tại TP.HCM cùng đại diện Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC).

Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca đã được phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vào đầu tháng 2/2021.

GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, những liều vaccine COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca đã có mặt kịp thời trong lúc cả nước đang ứng phó với đợt bùng phát mới. Bộ Y tế sẽ ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu và các đối tượng theo quy định của Chính phủ. Hiện nay Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác để cung cấp đầy đủ vaccine cho người dân trong năm 2021 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Theo hướng dẫn, những liều vaccine đầu tiên này sẽ trải qua quy trình kiểm định chất lượng cuối cùng trước khi được bàn giao cho Bộ Y tế/ VNVC để bắt đầu công tác tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên. AstraZeneca sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Y tế và VNVC để cung cấp vaccine cho người dân nhanh chóng và an toàn nhất có thể.

Hình ảnh lô vaccine AstraZeneca đầu tiên được xử lý và tiếp nhận theo đúng quy trình chuyên môn. Ảnh: BYT 

Vaccine đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vaccine có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ không suy giảm đáng kể trong khoảng thời gian này. Hiệu lực vaccine sau khi tiêm nhắc liều thứ hai đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều 1, đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên.

Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine COVID-19 Vaccine Astrazeneca bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên. Các phân tích cũng cho thấy, vaccine có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng. Tỉ lệ đáng kể này được xác định dựa trên mẫu xét nghiệm phết mũi họng thu thập được hằng tuần từ các tình nguyện viên trong thử nghiệm tại Anh.

Vaccine COVID-19 AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8 độ C) trong ít nhất sáu tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có. Lô vaccine này được sản xuất bởi AstraZeneca thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu. Để đảm bảo tiếp cận rộng rãi và bình đẳng với vaccine, trong năm 2020, AstraZeneca đã xây dựng hơn mười chuỗi cung ứng tầm khu vực, vận dụng năng lực của chính công ty và phối hợp với hơn 20 đối tác để đẩy mạnh quá trình sản xuất và cung ứng vaccine.

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp cận vaccine cho hơn 145 quốc gia thông qua COVAX Facility, hoạt động thu mua và cung ứng vaccine trong cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19 (COVAX)”.

Vaccine chống COVID-19 của AstraZeneca được đồng phát minh bởi Đại học Oxford và công ty sản xuất hỗ trợ Vaccitech, sử dụng vector virus mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vaccine, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm virus sau đó.

Quyết định phê duyệt của Việt Nam dựa trên phân tích 23.745 đối tượng từ 18 tuổi trở lên, với 232 trường hợp nhiễm COVID-19 có triệu chứng từ các thử nghiệm lâm sàng pha III của Vương quốc Anh và Brazil do Đại học Oxford thực hiện.

Dữ liệu an toàn được công bố đến nay từ hơn 20.000 người tham gia trong bốn thử nghiệm lâm sàng ở Anh, Brazil và Nam Phi. Công bố trên Tạp chí The Lancet khẳng định COVID-19 Vaccine AstraZeneca được dung nạp tốt và không có biến cố bất lợi nghiêm trọng nào được xác nhận liên quan đến vaccine. Đối tượng tham gia nghiên cứu đa dạng về vùng địa lý và chủng tộc, khỏe mạnh hoặc có tình trạng bệnh lý nền ổn định.

Trong nửa đầu năm 2021, VNVC sẽ đưa về Việt Nam 30 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Các nhóm ưu tiên và người dân trong nước sẽ chính thức được tiêm vaccine COVID-19 chất lượng cao như tại châu Âu và nhiều quốc gia lớn trên thế giới, góp phần khống chế đại dịch, từng bước khôi phục nền kinh tế và ổn định cuộc sống.

Cũng liên quan đến vaccine phòng COVID-19, hôm nay 24/2, Học viện Quân y bắt đầu sàng lọc từ 50-100 tình nguyện viên để tham gia vào giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax của Công ty Nanogen.

Giai đoạn 2 thử nghiệm Nano Covax dự kiến sẽ tiến hành ở 2 điểm (gồm Học viện Quân y và ở Bến Lức, Long An với sự tham gia của Viện Pasteur TP.HCM), kỳ vọng rút ngắn 50% thời gian từ 6 tháng xuống 3 tháng. Các tình nguyện viên vẫn chia làm 3 nhóm tiêm 3 liều (25-50 và 75mcg). Mũi tiêm thử nghiệm đầu tiên của Nano Covax trong giai đoạn 2 dự kiến diễn ra vào ngày 26/2 dự kiến tại Bến Lức, Long An.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang