Sức mạnh khủng khiếp của 'siêu tăng' Nga có thể tác chiến trên sao Hỏa

author 16:04 23/10/2017

(VietQ.vn) - Theo nhận định của các chuyên gia quân sự, T-14 Armata chính là siêu tăng, vượt trội hơn so với tất cả những dòng xe tăng đã, đang và thậm chí là sẽ ra đời trong tương lai.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

T-14 là tên gọi của xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ ba được Nga phát triển trên nền tảng chiến đấu đa năng (UBP) Armata, ra mắt lần đầu trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 9/5/2015. Đây là loại MBT hiện đại nhất thế giới, được ứng dụng nhiều công nghệ nhằm tối đa hóa khả năng tấn công, phòng thủ và thông tin liên lạc trên chiến trường.

Gần đây, bộ não của Armata lại được nâng cấp, cải tiến cùng với việc ứng dụng một loạt hệ thống phòng hộ chủ động thế hệ mới, biến nó thành cỗ máy hủy diệt bất khả xâm phạm. Đặc điểm nổi bật nhất là tháp pháo tự động được điều khiển bởi tổ lái ngồi trong khoang bọc giáp kiên cố ở phía đầu xe.

Ngay cả khi tháp pháo bị xuyên thủng và bốc cháy, tổ lái vẫn có thể sống sót, đưa xe rời khỏi chiến trường hoặc ra khỏi xe một cách an toàn. Tổ lái có thể quan sát xung quanh nhờ hàng loạt camera thời gian thực, cảm biến quang học, kính ngắm ảnh nhiệt và cả radar. Cuối tháng 8/2017, hãng truyền thông nhà nước Nga cho biết, mẫu xe tăng mới của nước này T-14 Armata có thể hoạt động được trong điều kiện khí hậu trên sao Hỏa.

Siêu tăng T-14 Armata

Theo tìm hiểu, thiết kế tháp pháo điều khiển từ xa của T-14 Armata là một sáng kiến tiên phong, bởi lái xe, pháo thủ và trưởng xe đều ngồi cùng một khoang riêng, tách biệt với tháp pháo và kho đạn của xe, giúp tăng khả năng sống sót của tổ lái trước hỏa lực đối phương.

Lớp vỏ ngoài góc cạnh giúp T-14 Armata gần như tàng hình trước radar, trong khi các lớp phủ đặc biệt khiến hệ thống trinh sát ảnh nhiệt/hồng ngoại của đối phương rất khó phát hiện chiếc xe. T-14 Armata được trang bị ít nhất ba lớp phòng thủ. Đầu tiên là hệ thống phòng thủ chủ động Afganit, có khả năng phát hiện đạn chống tăng đang phóng đến nhờ cụm radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) gắn ở 4 mặt tháp pháo.

Lớp phòng thủ thứ hai là giáp phản ứng nổ (ERA) mang tên Malachit. Đây là loại ERA thế hệ 4 được Nga phát triển riêng cho nền tảng Armata, có tính năng vượt trội so với các sản phẩm thế hệ ba như Relikt được trang bị trên xe tăng T-90A và T-90MS. Khả năng thực sự của Malachit chưa được công bố, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng nó có thể giảm tới 50% khả năng xuyên phá của các loại đạn chống tăng hiện đại nhất trong biên chế Mỹ và NATO.

Cuối cùng là lớp giáp phức hợp, được chế tạo từ nhiều lớp giáp thép cường độ cao kết hợp với sợi thủy tinh gia cường và vật liệu gốm. Thiết kế giáp phức hợp cho phép ngăn chặn nhiều loại đạn chống tăng khác nhau, trong khi độ dày lại nhỏ hơn nhiều so với giáp thép cán đồng nhất (RHA) có cùng khả năng bảo vệ.

Giáp mặt trước của T-14 Armata có độ dày tương đương 900 mm RHA trước đạn thanh xuyên động năng (APFSDS) hoặc 1.400 mm RHA nếu gặp đạn xuyên nổ lõm (HEAT). Hai bên sườn và mặt sau cũng được bảo vệ bởi giáp phức hợp, cùng các tấm ERA Malachit hoặc giáp lồng thép. Lớp phòng vệ đa tầng này khiến T-14 Armata gần như bất khả xâm phạm trước các loại vũ khí chống tăng uy lực nhất thế giới hiện nay.

Pháo chính của T-14 là model mới nhất của Nga, 2A82 cỡ 125 mm nòng trơn, có thể bắn hiệu quả tới 8 km, phù hợp với nhiều loại đạn xuyên giáp (AP), đạn công phá cao (HE) cũng như phóng được cả tên lửa chống tăng (AT). Trong tương lai, T-14 có thể sẽ được nâng cấp lên pháo 2A83 cỡ 155 mm. Đây là mẫu pháo được dự định thiết kế cho T-95 (một dự án đã bị huỷ bỏ) với số lượng sản xuất ra khoảng 2.000 chiếc. Loạn đạn xuyên giáp cao tốc của 2A83 có thể đạt tốc độ tới 1.900 m/s sau khi đã rời nòng được 2 km.

Vũ khí phụ của T-14 là một súng máy 6P7К dùng đạn 7,62 mm với cơ số đạn 1.000 viên. Hoặc nó có thể thay bằng một đại liên 6P49 dùng đạn 12,7 mm với cơ số đạn 300 viên. Trong trường hợp "cần thiết", T-14 có thể dùng cả pháo phòng không đồng trục cỡ đạn 30 mm thay 2 loại súng máy trên. Có nghĩa T-14 có thể chiến đấu được với rất nhiều loại mục tiêu - bộ binh, xe bọc thép, máy bay (tầm thấp), xe tăng... tuỳ theo trang bị có sẵn.

Lê Cao (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang