Tái diễn chiêu trò ép giá - thương lái bị 'đánh gục'

author 10:26 19/05/2015

Nhờ sự vào cuộc của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi và các nhóm tình nguyện “giải cứu dưa hấu”, sáng 18.5, thương lái một lần nữa đã buộc phải chấp nhận giá thu mua ngang với giá của tổ chức tình nguyện là 3.000 đồng/kg.

Sự vào cuộc của các nhóm tình nguyện buộc thương lái phải nâng giá mua dưa của nông dân. 

Không còn “một mình, một chợ”

Chỉ trong vòng nửa tháng, các tổ chức tình nguyện và Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã “giải cứu” gần 3.000 tấn dưa hấu An tiêm và Hồng lương, bị thương lái ép giá chỉ còn 600 - 1.000 đồng/kg. Thương cảm người dân Quảng Nam có thể trắng tay vì dưa hấu bị ngập do lũ trái mùa, các nhóm tình nguyện đã thu mua giúp người dân Quảng Nam với giá đồng nhất là 3.000 đồng/kg. Với giá thu mua này, người nông dân có lãi. Thương lái buộc phải “lộ diện” nâng giá thu mua cho bà con ngang với giá thu mua của các nhóm, tổ chức tình nguyện. Khi giá thu mua được “bình ổn”, các tổ chức tình nguyện đã trả lại thị trường cho thương trường. Tuy nhiên, thương lái lại dùng chiêu trò mua lựa chọn, không mua đổ đồng như các tổ chức tình nguyện, người dân thấy thua thiệt, lại kêu cứu sự giúp đỡ. Điều không thể ngờ, chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 4, các tổ chức tình nguyện đã “giải phóng” gần 3.000 tấn dưa An tiêm và Hồng lương cho bà con nông dân ở Quảng Ngãi.

Những tưởng các tổ chức tình nguyện sẽ không ra tay cứu bà con nông dân nữa, thương lái lại ép giá thu mua dưa Hắc mỹ nhân xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg, trong khi vào đầu vụ, giá dưa này được thương lái thu mua tới 4.000 
đồng/kg. Tỉnh đoàn Quảng Ngãi và các tổ chức tình nguyện lại vào cuộc để “giải cứu” dưa Hắc mỹ Nhân ở các huyện Bình Sơn, Đức Phổ, Mộ Đức... Một lần nữa, thương lái phải chấp nhận “nhường” thị trường cho các tổ chức tình nguyện. Sáng 18.5, khi nghe thông báo của nhóm “hiệp sĩ” Đặng Như Quỳnh, Trần Hữu Như Anh sẽ thu mua toàn bộ số dưa hiện có của bà con, thương lái sợ hết hàng, buộc phải nâng giá thu mua lên 3.000 đồng/kg. Cuộc chiến “cân sức về giá” đã buộc thương lái không thể “làm mưa làm gió” với bà con nông dân.

Ai cứu nông dân?

Tại hội nghị bàn về các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững do Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT phối hợp tổ chức ngày 14.5, có nhận định: Tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ngành rau quả chủ yếu là qua thương lái, Cty tư nhân thu gom, trong khi hệ thống hạ tầng thương mại còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ tăng trưởng thương mại rau quả ngày càng cao. Đối với cây ăn quả, theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 7.000 ha cây ăn quả, sản lượng hằng năm khoảng 7 triệu tấn các loại quả. Bộ Công Thương đã chỉ rõ “điểm nghẽn” của thị trường trong nước chính là khâu lưu thông, dường như bỏ ngỏ cho thương lái điều tiết.

Theo giải thích của một thương lái, hành trình hoa quả từ vườn đến tay người tiêu dùng nhiều nhất cũng qua cả chục khâu trung gian. Bài học “giải cứu” dưa hấu vừa qua, chứng minh được điều đó, khi giảm bớt các khâu trung gian, giá mua cho người dân được nâng cao, giá bán đến tay người tiêu dùng được giảm bớt đến cả gần chục giá so với thị trường.

Điều này cho thấy, thị trường tiêu thụ trong nước còn rất lớn, nhưng vẫn thiếu sự điều tiết, vai trò chủ đạo của các cơ quan chức năng của Nhà nước, đặc biệt là sự vào cuộc của ngành công thương các địa phương. Nếu có sự trao đổi hàng hóa giữa địa phương có nguồn hàng và địa phương có sức tiêu thụ lớn sẽ giảm bớt được khâu trung gian, giảm được giá bán đến tay người tiêu dùng.

Theo Lao động


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang