Tài trợ cho dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia

author 09:27 25/03/2014

(VietQ.vn) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến người dân về Thông tư Hướng dẫn việc xét duyệt, thẩm định, phê duyệt nội dung và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ đối với Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia.

Thông tư này hướng dẫn việc xét duyệt, thẩm định, phê duyệt nội dung và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia (SPQG) đến năm 2020.

Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia (viết tắt là Dự án đầu tư SPQG) là nhiệm vụ đầu tư sản xuất SPQG trên cơ sở ứng dụng các kết quả của nhiệm vụ KH&CN hoặc tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến từ các nguồn khác.

Dự án đầu tư SPQG được hình thành trên cơ sở kết quả của nhiệm vụ KH&CN hoặc tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nguồn khác (kể cả công nghệ từ nước ngoài) để sản xuất SPQG thuộc Đề án khung phát triển SPQG đã được phê duyệt. Dự án đầu tư SPQG có thể là dự án đầu tư mới hoặc dự án cũ đã đầu tư được nâng cấp để sản xuất SPQG;

Vắc xin là sản phẩm quốc gia của Việt Nam

Vắc xin là sản phẩm quốc gia của Việt Nam

Việc xây dựng Dự án đầu tư SPQG, quyết định đầu tư và xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư được thực hiện như các dự án đầu tư khác theo Luật Đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan;

Đối với công nghệ chuyển giao cần phải được xem xét trên cơ sở phù hợp với các quy định của Luật chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn luật có liên quan. (Ví dụ: nếu công nghệ chuyển giao thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao thì phải được sự chấp thuận chuyển giao công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, ở đây là Bộ KH&CN);

 Đối với công tác thẩm tra công nghệ các Dự án đầu tư SPQG trong giai đoạn xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổ chức chủ trì Dự án đầu tư SPQG căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn công tác thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư do Bộ KH&CN ban hành để tổ chức thẩm tra trong quá trình xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Báo cáo kết quả thẩm định, giám định công nghệ của Dự án đầu tư SPQG cần được hoàn thành trước khi đăng ký xét duyệt.

Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc xét duyệt, thẩm định và phê duyệt nội dung và kinh phí hỗ trợ Dự án đầu tư SPQG từ ngân sách nhà nước trước khi Tổ chức chủ trì Dự án đầu tư SPQG làm thủ tục quyết định đầu tư và xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Việc xét duyệt hồ sơ đăng ký hỗ trợ Dự án đầu tư SPQG do Cơ quan chủ quản SPQG chủ trì thực hiện thông qua Hội đồng xét duyệt do Thủ trưởng Cơ quan chủ quản SPQG thành lập;

Việc thẩm định hồ sơ, nội dung và kinh phí hỗ trợ Dự án đầu tư SPQG, nhiệm vụ thuộc Dự án đầu tư SPQG do Bộ KH&CN chủ trì thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ KH&CN thành lập;

Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ, đảm bảo tính khách quan và chịu trách nhiệm tập thể về kết luận chung của Hội đồng;

Thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm cá nhân về tính khách quan, tính chính xác đối với những ý kiến nhận xét, đánh giá; các thành viên và thư ký hành chính của Hội đồng, đại biểu tham dự có trách nhiệm giữ bí mật về các thông tin liên quan trong quá trình xét duyệt, thẩm định;

Phiên họp chính thức của Hội đồng phải có mặt ít nhất 2/3 số thành viên, trong đó phải có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch và các ủy viên phản biện. Các thành viên của Hội đồng phải nghiên cứu hồ sơ Dự án và có nhận xét đánh giá bằng văn bản trước khi họp Hội đồng. Ý kiến nhận xét của thành viên vắng mặt sẽ được công bố tại phiên họp Hội đồng.

Cơ quan chủ quản SPQG tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét duyệt của các tổ chức đăng ký chủ trì. Đối với các Hồ sơ không đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 4, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận Hồ sơ, Cơ quan chủ quản SPQG có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì biết để bổ sung hoặc thay thế.

Hội đồng có 9 thành viên, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thư ký hội đồng, 02 phản biện đối với từng nhiệm vụ và các uỷ viên là các chuyên gia khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia kinh tế. Trong đó, 04 uỷ viên là cán bộ quản lý, chuyên gia kinh tế và 01 uỷ viên là đại diện Đơn vị quản lý SPQG. Cá nhân dự kiến làm Giám đốc Dự án đầu tư SPQG, Chủ nhiệm nhiệm vụ không là thành viên Hội đồng.

Hội đồng xét duyệt do Thủ trưởng Cơ quan chủ quản SPQG thành lập trên cơ sở đề xuất của Đơn vị quản lý SPQG. Một Hội đồng có thể tư vấn xét duyệt một số nhiệm vụ thuộc 01 Dự án đầu tư SPQG có các nội dung chuyên môn trong cùng một lĩnh vực chuyên ngành.

Hội đồng thông báo kết quả kiểm phiếu đánh giá. Dự án đầu tư SPQG được đề nghị hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước khi có ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng có mặt bỏ phiếu "Đáp ứng yêu cầu". Nhiệm vụ được Hội đồng đề nghị đưa vào Danh mục nhiệm vụ thuộc Dự án đầu tư SPQG được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước phải được ít nhất 3/4 số thành viên Hội đồng có mặt bỏ phiếu "Đề nghị hỗ trợ". Phiếu nhận xét, đánh giá của các thành viên vắng mặt được công bố tại phiên họp, nhưng không được tính vào số phiếu đánh giá của phiên họp.

Trên cơ sở kết quả làm việc của Hội đồng xét duyệt và báo cáo của chuyên gia tư vấn độc lập (nếu có), Đơn vị quản lý SPQG chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Cơ quan chủ quản SPQG rà soát danh mục Dự án đầu tư SPQG và các nhiệm vụ thuộc Dự án đầu tư SPQG đã được Hội đồng đề nghị hỗ trợ, gửi xin ý kiến Ban chủ nhiệm chương trình và trình Thủ trưởng Cơ quan chủ quản SPQG phê duyệt.

Thủ trưởng Cơ quan chủ quản SPQG ra quyết định phê duyệt Dự án đầu tư SPQG và Danh mục các nhiệm vụ thuộc Dự án đầu tư SPQG được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp KH&CN sau khi có ý kiến bằng văn bản của Ban chủ nhiệm chương trình.

Căn cứ vào Quyết định phê duyệt, Đơn vị quản lý SPQG thông báo cho tổ chức chủ trì Dự án đầu tư SPQG để hoàn thiện hồ sơ, nội dung và kinh phí của Dự án đầu tư SPQG và các nhiệm vụ thuộc Dự án đầu tư SPQG để thẩm định.

Thu Minh

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang