Tận dụng dư địa thị trường, tăng cường xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc

author 19:53 24/09/2020

(VietQ.vn) - Hiện có 9 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít và măng cụt. Trái cây Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng vì chất lượng vượt trội, giá cả cạnh tranh.

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhu cầu về trái cây chất lượng cao của người dân ngày càng tăng. Với lợi thế về địa lý tự nhiên, nhiều loại trái cây của Việt Nam có thể được nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua đường bộ và đường sắt. Việt Nam hiện là một trong ba nước đứng đầu về tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây của Trung Quốc.

Hiện thị trường Trung Quốc chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam hàng năm 

Năm nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các ngành công nghiệp trên toàn thế giới, và ngành công nghiệp trái cây cũng không thể tránh khỏi. Trong nửa đầu năm 2020, lượng trái cây nhập khẩu của Trung Quốc thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc cũng giảm.

Tại Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm hoa quả Việt Nam- Trung Quốc (Thượng Hải) diễn ra ngày 24/9/2020, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ và trực tiếp với nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc. Trong đó, Thượng Hải - thành phố lớn nhất Trung Quốc về dân số với hơn 24 triệu dân, là đối tác thương mại hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thương mại giữa Việt Nam với thành phố Thượng Hải vẫn còn nhiều dư địa bỏ ngỏ, đặc biệt là thương mại các sản phẩm trái cây được ươm trồng và chế biến tại Việt Nam.

Để phòng chống dịch bệnh, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường giám sát các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, liên quan đến các phương diện như truy xuất nguồn gốc nông sản, đăng ký vùng trồng, đăng ký nhà máy đóng gói và dán nhãn sản phẩm.

 
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc và lớn nhất trong ASEAN. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam; 8 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 110 tỷ USD, tăng13,4%.
 

Theo đại diện của Chợ đầu mối trái cây nhập khẩu Long Ngô- Thượng Hải (Trung Quốc), Việt Nam có nhiều sản phẩm nông sản và hoa quả vùng nhiệt đới, có tính bổ sung rất lớn trong việc cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Người tiêu dùng Trung Quốc có ấn tượng rất tốt đối với hoa quả của Việt Nam.

Với những thuận lợi và ưu thế của hai bên; với sự tham gia của các doanh nghiệp cung ứng và nhập khẩu hoa quả lớn của Việt Nam và Thượng Hải, hội nghị sẽ góp phần tạo dựng mối quan hệ hợp tác hiệu quả, bền vững giữa hai bên, ngày càng có nhiều các loại hoa quả, sản phẩm nông sản của Việt Nam được đưa vào thị trường Thượng Hải và các địa phương xung quanh, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của Trung Quốc; đem lại lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp hai bên- vị đại diện Chợ đầu mối trái cây nhập khẩu Long Ngô- Thượng Hải bày tỏ.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên- Tổng thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam (Vinafruit), những năm qua, sản xuất rau quả Việt Nam đã có những bước tăng trưởng rất mạnh cả về lượng, chủng loại và chất lượng. Việt Nam với diện tích trồng cây ăn quả khoảng 1.050.000 hecta. Sản lượng chung cả nước trên 12 triệu tấn sản phẩm thu hoạch. Hiện thị trường Trung Quốc chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam hàng năm. Chi phí Logistics vận chuyển hàng rau quả Việt Nam XK sang TQ chắc chắn thuận lợi và thấp hơn, giúp rau quả Việt Nam có giá bán cạnh tranh hơn các nước khác có sản phẩm cùng loại. Đây là một lợi thế khá quan trọng của rau quả Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã có 9 loại quả tươi được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm Thanh Long (XK sang Trung Quốc nhiều nhất), xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang hoàn thiện các hồ sơ đề nghị các cơ quan hữu quan Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường thêm, ưu tiên theo thứ tự cho trái cây Việt Nam như: sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa và các sản phẩm tổ yến, khoai lang, thạch đen…

Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm hoa quả có sự tham gia của đông đảo các nhà cung cấp trái cây Việt Nam và nhà nhập khẩu Thượng Hải, đem đến cơ hội kết nối kinh doanh cho doanh nghiệp hai bên.

Được biết, tháng 8/2020 vừa qua, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải tổ chức giao thương trực tuyến cho các doanh nghiệp hai nước về nông sản, thủy sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng các loại.

Và với nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm hoa quả của các chợ đầu mối, kênh phân phối bán buôn, bán lẻ tại Thượng Hải, sự ưa chuộng của nhiều người tiêu dùng Trung Quốc với đa dạng sản phẩm hoa quả Việt Nam, Cục Xúc tiến Thương mại tiếp tục kết nối các doanh nghiệp hoa quả Việt Nam tham gia giao dịch trực tuyến với các khách mua hàng tiềm năng Thượng Hải- ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang