Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không

author 06:02 17/03/2021

(VietQ.vn) - Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không năm 2021.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam giao các Cảng vụ hàng không triển khai thực hiện và giám sát công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc khu vực quản lý. Yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong khu vực cảng hàng không, sân bay thực hiện nghiêm; tăng cường kiểm tra, giám sát tại các vị trí nhạy cảm như điểm kiểm tra an ninh hàng không; khu vực phục vụ hành lý, hàng hóa; khu vực sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; khu vực tập kết đồ vật, dụng cụ của suất ăn phục vụ trên tàu bay nhất là các chuyến bay quốc tế; trên tàu bay... nhằm kịp thời phát hiện bắt giữ khi có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá bằng đường hàng không.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý các cấp và nhân viên về các quy định của pháp luật đối với hành vi thực hiện và tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Triển khai cho đội ngũ quản lý các cấp và nhân viên làm việc trong khu vực hạn chế viết cam kết không tham gia và không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra, rà soát chặt chẽ quy trình kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không tại các cảng hàng không, sân bay kịp thời phát hiện những sơ hở để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh. Kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện, đồ vật ra, vào và hoạt động tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay. Đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực phụ trách và phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của Bộ Công an, Hải quan trong lĩnh vực này.

Đối với các Hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị có liên quan tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển và không tiếp tay cho vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không rõ xuất xứ đến các tổ chức, cá nhân liên quan, không tiếp tay cho các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đồng thời, chỉ đạo đoàn bay, đoàn tiếp viên rà soát nội bộ, thường xuyên kiểm soát tổ bay khi làm nhiệm vụ, quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động hàng không.

Các bộ phận An ninh hàng không của các hãng cần tập trung phân tích, đánh giá tình hình, xác định trọng điểm về: thời gian, chuyến bay, chặng bay, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động để phối hợp với lực lượng hải quan, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không có biện pháp kiểm tra chặt chẽ đối với các chuyến bay, đối tượng cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh của đơn vị.

Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các doanh nghiệp cung ứng suất ăn, xăng dầu, sửa chữa bảo dưỡng tàu bay, hàng hóa và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác tại các cảng hàng không, sân bay, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý các cấp và nhân viên về các quy định của pháp luật đối với hành vi thực hiện và tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các đơn vị phục vụ suất ăn kiểm soát chặt chẽ người, đồ vật dụng cụ thu hồi sau chuyến bay đặc biệt là các chuyến bay quốc tế. Các đơn vị cung cấp xăng dầu hàng không kiểm soát chặt chẽ, người, phương tiện; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về vận chuyển nhiên liệu hàng không, hành vi chiếm đoạt, pha tạp chất không đúng quy chuẩn vào bồn, téc chứa nhiên liệu hàng không trên đường vận chuyển.

Các đơn vị bảo dưỡng tàu bay kiểm tra chặt chẽ người, đồ vật phục vụ bảo dưỡng khi thực hiện bảo dưỡng ngoại trường; kiểm soát chặt chẽ người, đồ vật mang lên tàu bay phục vụ bảo dưỡng nội trường và thực hiện nghiêm túc quy định kiểm tra an ninh hàng không trước khi bàn giao tàu bay.

Các đơn vị phục vụ mặt đất phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với nhân viên bốc xếp, vệ sinh tàu bay; khu vực tập kết rác sau chuyến bay.

Cơ quan chức năng thu giữ gần 300 nghìn dược phẩm không rõ nguồn gốc đi ra từ kho ALS - Cảng hàng không Nội Bài. Ảnh: báo Lao động

Các đơn vị phục vụ hàng hóa phối hợp với các cơ quan chức năng của Hải quan, Quản lý thị trường tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức về hành vi buôn lậu; phân biệt hàng thật, hàng giả để ngăn ngừa từ khâu chấp nhận vận chuyển hàng hóa. Phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không kiểm tra chặt chẽ quy định mang đồ vật vào/ra khu vực hạn chế...

Trước đó, theo thống kê, chỉ riêng trong tháng đầu năm 2021, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của những ngày cận tết có chiều hướng giảm hơn so với năm 2020, song tính chất các vụ việc rất phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu tinh vi hơn, số lượng hàng hóa vi phạm bị giữ nhiều hơn.

Trong đó, đặc biệt trên tuyến hàng không, số vụ vi phạm bị bắt giữ tăng mạnh, mặt hàng vi phạm chủ yếu là các hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như: ma túy; vũ khí; vàng; các sản phẩm động vật hoang dã nằm trong danh mục CITES như: sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê; điện thoại; thuốc lá; rượu...

Tính từ 16/12/2020 đến 15/01/2021, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 803 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 519 tỷ đồng; Số thu ngân sách đạt hơn 12,5 tỷ đồng, cơ quan hải quan khởi tố 02 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 05 vụ.

Một số vụ việc bắt giữ điển hình tháng 1/2021 có thể kể đến là vụ vận chuyển 05 mẫu vật Sừng Tê giác khối lượng 7,8 kg, trị giá ước tính 7,8 tỷ đồng qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; 1,269 m3 Gỗ Trắc các loại xuất xứ Lào quý hiếm trị giá ước tính 80.000.000 đồng; 15.000 Lít Dầu DO; 40 thùng carton chứa 8.702 sản phẩm mỹ phẩm các loại, 200 chiếc đồng hồ thông minh; 16 kiện bưu phẩm, quà biếu gửi qua đường chuyển phát nhanh có chứa ma túy.

Ngoài ra, hải quan cũng bắt giữ lô hàng tại kho ACSV từ MADRID - Tây Ban Nha về Việt Nam, hàng hóa khai báo là hàng hóa thông thường. Qua thực tế kiểm tra, phát hiện 166 kg Mai Rùa đã sấy khô.

Ngày 15 tháng 01 năm 2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế sân bay Nội Bài – Cục Hải quan TP Hà Nội đã phối hợp với Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1) - Cục Điều tra chống buôn lậu khám 01 lô hàng tại kho ALSC từ Nga trung chuyển qua Dubai về Việt Nam, hàng hóa là của cá nhân thuộc danh mục hàng nhập khẩu có điều kiện. Hàng hóa vi phạm gồm: 250 cây thuốc lá điện tử dạng điếu hiệu MARLBORO (tương đương 2.500 điếu), chưa xác định được nước sản xuất.

Trước đó, tháng 6/2020, cơ quan quản lý thị trường phát hiện lô hàng có giá trị lớn nằm trong đường dây chuyên vận chuyển hàng lậu, "đi" máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Nội Bài, chuyển đến kho hàng hóa nội địa (NCTS) thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài. Đây là công ty cung cấp dịch vụ phục vụ hàng hóa cho 27/55 hãng hàng không trong và ngoài nước đang khai thác tại Sân bay quốc tế Nội Bài.

Toàn bộ số hàng hóa gồm 1.877 sản phẩm, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Số hàng này bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, tân dược, đồ gia dụng, đồ chơi (con thú), sữa các loại.

Lực lượng quản lý thị trường nhận định, mặc dù việc vận chuyển hành khách quốc tế không hoạt động hoặc bị ảnh hưởng lớn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhưng hàng hóa tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn được đưa về Việt Nam thông qua đường hàng không, trong đó không ít hàng hóa không thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê khai hàng hóa nhập khẩu.

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang