Tăng cường nghiên cứu KHCN thúc đẩy phát triển năng lượng sạch

author 05:55 19/06/2020

(VietQ.vn) - Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, cần khuyến khích nghiên cứu KHCN, nhập khẩu thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng và tiến tới loại bỏ công nghệ lạc hậu.

Nhiều thách thức lớn về năng lượng

Nền kinh tế nước ta đang phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức rất lớn khi mà các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… dần cạn kiệt.

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, những tháng đầu năm 2020, dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất nhưng nhu cầu phụ tải vẫn tăng trên 7%, thậm chí một số vùng tăng trưởng trên 11%. Dự kiến, năm 2020 vẫn cơ bản có thể đảm bảo nhu cầu điện, song từ năm 2021 trở đi, nguy cơ thiếu điện đang trở nên hiện hữu. Thậm chí tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài ra cả giai đoạn đến năm 2025 nếu như phụ tải tăng trưởng cao, lượng về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; nguồn khí Lô B, khí Cá Voi Xanh chậm tiến độ và các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ so với cập nhật hiện nay.

 Diễn đàn “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức” do Báo Công Thương tổ chức ngày 18/6/2020 tại Hà Nội

Nhiều dự án nguồn điện theo quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ, hoặc chưa xác định được tiến độ còn rất lớn. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần.

Theo Báo cáo mới đây của Ban chỉ đạo quốc gia về điện lực, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong quy hoạch điện VII điều chỉnh thì chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.

Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ và đẩy mạnh tiết kiệm điện thì việc thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện Mặt Trời… là một trong những định hướng phát triển bền vững, góp phần đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cũng như an ninh năng lượng quốc gia.

Năng lượng tái tạo quy mô lớn còn hạn chế

Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức” do Báo Công Thương phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tổ chức ngày 18/6/2020 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện ngành năng lượng Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho năng lượng sản xuất kinh doanh, đời sống, đóng góp an ninh quốc phòng.

Nhu cầu năng lượng sơ cấp trong 10 năm qua, năm 2007-2017, tăng trưởng 14,6%, riêng sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng bình quân 9,5%. Dự báo trong giai đoạn 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng 8,5-9,5%. Với nhu cầu điện thương phẩm như trên, dự kiến công suất điện 13.000-14.000 MW. Đến nay, mới có 6.000 MW/năm. Từ nay đến năm 2030, mỗi năm cần công suất 5.000 -7.000 MW/năm.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy mạnh hơn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió- có rất nhiều tiềm năng. Nhờ đó, các dự án điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam có sự bứt phá mạnh mẽ.

Theo đó, điện mặt trời từ con số 0, thời điểm hiện nay đã có công suất hơn 5.000 MW và điện gió gần 1.000 MW điện gió. Dự kiến 1-2 năm tới, dự kiến công suất 3.000-5000 MW điện gió được vận hành.

Ông Hoàng Tiến Dũng- Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) – cho rằng, mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ, song việc phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn còn hạn chế. Cụ thể, lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo; chưa có đủ nguồn dự phòng, hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn; chính sách phát triển năng lượng tái tạo không được áp dụng trong thời gian dài; chưa có cơ chế thu hút vốn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thông qua cơ chế đấu thầu. Đặc biệt chưa có nghiên cứu tổng thể phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Tháo gỡ các “điểm nghẽn” để phát triển ngành năng lượng sạch

Thời gian qua, ngành năng lượng Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển năng lượng tái tạo để kịp thời bổ sung các quy định cho phù hợp.

Muốn phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả và thu hút mạnh nhà đầu tư vào lĩnh vực này, nên tập trung vào các nội dung như chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện, tạo ra cơ chế chính sách để tự do hóa, tạo thị trường năng lượng tái tạo cạnh tranh thu hút đầu tư từ khu vực bên ngoài, đặc biệt doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng: Cần khuyến khích nghiên cứu KHCN thúc đẩy phát triển năng lượng sạch
 

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, để đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, cần đa dạng hóa các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối. Cùng với đó, nhập khẩu các thiết bị công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng và tiến tới loại bỏ công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp. Đặc biệt là cần có các chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học công nghệ về phát triển năng lượng tái tạo, từ đó, tiến tới làm chủ trong sản xuất, vận hành các nhà máy, các thiết bị đồng bộ cho lĩnh vực năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các bộ, ngành, doanh nghiệp để triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ như Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng (mã số KC.05/15-20); chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai (mã số KC,08/16-20).

Với những chương trình cấp Nhà nước như trên, chúng ta sẽ triển khai nghiên cứu các nội hàm trong việc phát triển bền vững năng lượng điện quốc gia” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay.

Theo các chuyên gia, vấn đề phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của khu vực và thế giới. Theo đó, thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam đang là mảnh đất tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong bối cảnh diễn ra mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu các chuỗi sản xuất cung ứng trên thế giới sau đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống như điện, than, phát triển thủy điện- vốn dĩ năng lượng sạch đã khai thác hết tiềm năng, điện than có nhiều hạn chế, quan điểm chỉ đạo không phát triển nhiều hơn nữa các dự án điện than.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện một cách triệt để, đầy đủ Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Cụ thể, triển khai hai quy hoạch lớn là Quy hoạch Phát triển năng lượng Việt Nam và Quy hoạch điện lực quốc gia Việt Nam cho giai đoạn từ nay đến năm 1930, có tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó tập trung chuyển dịch năng lượng của đất nước phù hợp với xu thế thế giới.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ xây dựng cơ chế có thể tổ chức đấu thầu, lựa chọn các nhà đầu tư phát triển điện mặt trời. Khi có cơ chế cạnh tranh, công khai minh bạch, thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các nhà đầu tư, doanh nghiệp phải có năng lực để triển khai các dự án một cách có hiệu quả- Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang