Tăng năng suất chất lượng mía nhờ kỹ thuật bón phân khoa học

author 06:09 30/03/2015

(VietQ.vn) - Trong bón phân cho mía, thời kỳ bón phân có ảnh hưởng lớn không chỉ với năng suất, mà còn cả tới chất lượng mía. Nếu bón phân muộn, nhất là phân đạm sẽ làm cho thời gian sinh trưởng của cây mía kéo dài, chậm chín nên năng suất, chất lượng đều giảm.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ (Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ), để đảm bảo mía đạt chất lượng cả về năng suất và chữ đường, bà con có thể chia thời kỳ bón phân thành 3 đợt như sau: Đợt 1 (bón lót tạo chồi), đây là thời điểm bà con bón trước khi đặt hom hoặc sau đặt hom 7 ngày gồm phân hữu cơ, phân lân, đạm và kali.

Đợt 2 (nuôi chồi), khi đếm thân mía có từ 6-8 lá (mía khoảng 1,5 tháng tuổi) sẽ tiến hành bón phân để thúc chồi phát triển mạnh, chủ yếu là phân đạm để mía đạt năng suất sau này. Đợt 3 (mía từ 3-4 tháng), đây là thời kỳ quyết định đối với trọng lượng, năng suất và chữ đường mía. Do đó, bà con cần bón thúc giai đoạn này nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây mía tăng trưởng thân lá, tích lũy đường và các chất khác vào thân mía, chủ yếu bón phân đạm và kali.

Về số lượng bón, tùy vào từng vùng đất mà có số lượng khác nhau, nhưng bình quân từ 600-800kg/ha cho một đợt bón. Tuy nhiên, một vài lưu ý cho nông dân là, khi bón phân lân phải bón ngay bộ rễ của mía; tạo cho mía phát triển bộ rễ; hạn chế việc rải phân trên mặt vì phân đạm dễ bốc hơi, do đó, bà con nên đào một đường rãnh, khi bón xong lấp một lớp đất mỏng lại. Nếu áp dụng tốt các giải pháp trên thì năng suất và chữ đường của cây mía sẽ được nâng lên mong muốn.

Chú ý tới việc bón phân giúp bà con có mùa vụ mía năng suất, chất lượng cao

Chú ý tới việc bón phân giúp bà con có mùa vụ mía năng suất, chất lượng cao. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nông dân cần bón đầy đủ các chất và cân đối lượng phân. Chú ý lượng phân đạm bón thâm canh có hiệu quả thay đổi từ 200-250 kg N/ha theo tỷ lệ 4 N - 3 P­2O5 - 4 K2O (tăng lân) hoặc theo tỷ lệ 2N - 1 P­2O5 - 3 K2O (tăng kali). Tuỳ vào chân đất mà có thể bón theo công thức như sau: Đối với mía trồng mới (tính cho 01 ha): 200-220 kgN + 150-160 kg P2O5 + 200-220 kg K2O + 3.000 kg Hữu cơ vi sinh + 1.000 kg vôi; Đối với mía lưu gốc: bón tăng thêm 15% so với mía tơ, theo thông tin từ Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón miền Trung – Tây Nguyên. 

Nông dân nên chọn các loại phân thích hợp, ngoài hàm lượng dinh dưỡng NPK còn có thêm các chất trung vi lượng (S, Ca, Mg). Thời gian bón hoặc số lần bónl là: mía tơ bón 3 lần (1 lót 2 thúc), mía gốc bón 2 lần. Vụ đầu mùa mưa hoặc đông xuân có tưới bón phân N dứt điểm 3-4 tháng sau trồng. Vụ cuối mưa phải chờ mưa đủ ẩm mới bón, bón dứt điểm N trong khoảng 7-8 tháng sau trồng. Chọn cách bón tăng tỷ lệ hữu hiệu. Tất cả các loại phân cần được bón chôn vào đất. Nếu có điều kiện phun tưới nên bón phân qua lá.

Thái Hà


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang