Tập đoàn Geleximco muốn hợp tác cùng công ty Trung Quốc làm sân bay Long Thành

author 08:20 26/08/2017

(VietQ.vn) - Tập đoàn Geleximco đã kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT về hợp tác với DN Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành trong 3-5 năm theo hình thức đối tác công tư.

Mới đây, Tập đoàn Geleximco đã có kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT về việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành trong 3 đến 5 năm theo hình thức đối tác công tư.

Tập đoàn Geleximco muốn hợp tác cùng công ty Trung Quốc làm sân bay Long Thành

 Phương án hoa sen cách điệu được lựa chọn để thiết kế sân bay Long Thành. Ảnh: Bizlive

Chiều 25/8, trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco cho biết đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng và Bộ GTVT từ năm 2016. Đến ngày 31/5 vừa qua, doanh nghiệp này một lần nữa gửi lại kiến nghị .

"Tôi được biết hiện tại bản kiến nghị đã được Bộ GTVT nghiên cứu, xem xét. Sân bay Long Thành là dự án rất nhiều nhà đầu tư muốn thực hiện. Chúng tôi đang chờ thông tin từ Bộ GTVT", ông Tiền nói.

Theo lãnh đạo tập đoàn, Geleximco có mối quan hệ đối tác với nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. Điển hình là Tập đoàn năng lượng KAIDI Dương Quang (Trung Quốc). KAIDI Dương Quang là tập đoàn có kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết đã nhận được đề xuất của Tập đoàn Geleximco. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất từ phía doanh nghiệp.

Thứ trưởng GTVT khẳng định bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể đề xuất tham gia vào các dự án lớn. Tuy nhiên, việc chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện đúng quy trình, thủ tục đấu thầu công khai, minh bạch.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, việc chọn nhà đầu tư sẽ được tiến hành sau khi được Quốc hội, Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Bizlive đưa tin, dự án cảng hàng không Long Thành có diện tích sử dụng đất 5.000 ha. Tổng mức đầu cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Quy mô dự án là đầu tư xây dựng cảng hàng không đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và năm triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Dũng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang