Tập trung kiểm tra các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không công bố theo quy định

(VietQ.vn) - Trước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất mỹ phẩm giả, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hậu mại sản phẩm này.
Mỹ thu hồi toàn quốc 22 sản phẩm kem vì nghi chứa nhựa cứng
Thử nghiệm dư lượng dung môi trong mỹ phẩm
Công ty Chăm sóc sức khỏe và Sắc đẹp Phú Thái thay đổi công bố 'chui' của 18 sản phẩm mỹ phẩm
Mỹ phẩm nhập lậu, giả nhãn hiệu diễn biến phức tạp
Theo Bộ Y tế, trong thời gian gần đây, qua công tác hậu kiểm và phản ánh từ người tiêu dùng, phương tiện thông tin đại chúng cho thấy tình trạng kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực mỹ phẩm diễn biến ngày càng phức tạp. Đây là hành vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của ngành mỹ phẩm trong nước.
Chỉ trong mấy tháng đầu năm lực lượng chức năng các tỉnh đã liên tiếp phát hiện và chặn đứng nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, sản xuất mỹ phẩm giả gây chấn động dư luận. Cụ thể, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã tạm giữ gần 3.300 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm các loại nhập lậu và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Toàn bộ hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đồng thời, hộ kinh doanh cũng đang trưng bày để bán hàng hóa là nước hoa gắn dấu hiệu GUCCI có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Hay vụ UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với "hot girl online" Nguyễn Hoàng Mai Ly (trú tại Bắc Giang, chủ tài khoản Mailystyle), chuyên livestream bán hàng nhập lậu trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt là nhập lậu mỹ phẩm và thực phẩm với tổng trị giá hàng hóa vi phạm lên tới hơn 34,9 tỉ đồng.

Mỹ phẩm nhập lậu, giả nhãn hiệu vẫn hoành hành gây ra không ít hệ lụy cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa
Tại thành phố Hồ Chí Minh, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Uyên Phương (địa chỉ: 2/9 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình) với số tiền 140 triệu đồng. Nguyên nhân, công ty đã thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc nhưng có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc. Công ty còn kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố đã được duyệt.
Ngoài ra, Công ty TNHH Mê Đi Ca (địa chỉ: 254Bis Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) cũng bị xử phạt 40 triệu đồng vì đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Lô mỹ phẩm liên quan bị đình chỉ lưu thông và bị buộc tiêu hủy.
Tăng cường kiểm tra vào các sản phẩm mỹ phẩm không nguồn gốc, quảng cáo sai sự thật
Trước tình trạng mỹ phẩm nhập lậu, giả mạo ngày càng diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Trong đó tập trung vào các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được công bố theo quy định; mỹ phẩm quảng cáo sai sự thật, ghi nhãn không đúng quy định; hoạt động kinh doanh trực tuyến, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Thực hiện hậu kiểm thường xuyên đối với các sản phẩm mỹ phẩm đã lưu thông trên thị trường, thông qua việc lấy mẫu kiểm nghiệm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người tiêu dùng.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành y tế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng (công an, quản lý thị trường, hải quan, thuế, Ban Chỉ đạo 389 địa phương...) phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán mỹ phẩm giả, không đạt chất lượng. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý mỹ phẩm đến cộng đồng, doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhằm nâng cao nhận thức, cảnh giác và tố giác các hành vi vi phạm. Rà soát các quy định nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý của các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương đối với hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm. Trường hợp có khó khăn, bất cập, đề nghị khẩn trương phản ánh về các cơ quan chức năng để kịp thời nghiên cứu, sửa đổi.
An Dương (T/h)