Tết Kỷ Hợi 2019: Lì xì làm cho đúng văn hóa?

author 10:06 02/02/2019

(VietQ.vn) - Đón Tết Kỷ Hợi 2019, ngoài những câu chúc đầu năm, mọi người còn trao nhau những phong bao lì xì màu với mong ước may mắn, sung túc cả năm.

Lì xì đầu năm là văn hóa lâu đời của người Việt

Mỗi dịp Tết đến, sau khi đón giao thừa, mọi người trao tặng nhau những phong bao lì xì kèm lời chúc năm mới đủ đầy, sung túc. Theo tập tục của người Việt, con cháu sẽ mừng tuổi ông bà, bố mẹ và ngược lại với hy vọng nhận được những điều tốt đẹp, may mắn dịp năm mới.

TS.Nguyễn Thị Hồng, chuyên gia Văn hóa, Phó trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, tục lì xì đầu năm của người Việt đã có từ ngàn năm và duy trì đến tận giờ. TS cho biết, tục tặng lì xì không bắt nguồn từ Trung Quốc, vì có thể thấy tên gọi Tết là của người Trung nhưng nội hàm lại thuần Việt, trong đó có Tết Nguyên đán được Việt hóa không phải của Trung Quốc.

 Lì xì đầu năm là văn hóa lâu đời của người Việt. Ảnh minh họa

Thực tế, chữ “lì xì” là cái tên người niềm Nam Việt Nam gọi, còn các cụ xưa hay gọi với cái tên đơn giản là “mừng tuổi”. Vì thế, phong tục này là của người Việt, xuất phát từ khát vọng trong giao tiếp của người Việt.

Những đồng tiền đựng trong phong bao lì xì dù mệnh giá bao nhiêu nhưng đều mang ý nghĩa may mắn, phúc lộc đầu năm. Bên cạnh đó nó còn mang niềm tin và hy vọng của mọi người với một năm khởi đầu tài lộc, “thuận buồm xuôi gió”.

Năm nay, ngoài việc lì xì trực tiếp qua phong bao màu đỏ, người dân có thể lì xì người thân, bạn bè qua ví điện tử, quét mã QR hay tặng nhau xổ số Vietllot.

Văn hóa lì xì bị biến tướng theo thời gian?

Hiện nay, không ít người coi lì xì đầu năm như một “bệ phóng” để đút lót, biếu cấp trên, cán bộ. Cùng với đó, khá nhiều người xem trọng giá trị đồng tiền trong mỗi bao lì xì mà quên rằng ý nghĩa thực sự của nó là may mắn, lộc phúc đầu năm.

 Văn hóa lì xì bị biến tướng theo thời gian. Ảnh minh họa

Về vấn đề này, TS Hồng bày tỏ thực sự buồn khi thấy nét đẹp văn hóa đang dần bị sai khác nhưng không thể phủ nhận đó là thực tế hiện nay. Bà dẫn chứng, hình thức tặng lì xì của thời xưa và nay cũng đã có sự khác biệt bởi: “Ngày xưa người ta tặng lì xì không phải là tặng tiền mà tặng một món quà nào đấy vì xa xưa các cụ không có tiền nên chỉ có món quà nhỏ để tặng cho trẻ con với mong muốn trẻ con hay ăn chóng lớn, tặng người già theo nghĩa chúc tuổi người già. Nên xưa mới có câu “trẻ được bát canh già được manh áo mới”, bà nói.

Để giữ được những nét đẹp của tục lì xì đầu năm, trước hết người lớn phải nâng cao ý thức, nên nghĩ rằng mừng tuổi cho trẻ em là ý nghĩa biểu tượng thôi. “Cái cho không quan trọng bằng cách cho”, không quan trọng bằng cách biếu nên coi đó là một thuần phong mỹ tục với ý nghĩa là khát vọng cầu may, cầu cho sinh sôi phát triển, cầu cho ngoan ngoãn, cầu cho tốt đẹp... chứ không phải để mua những giá trị đó. Đưa phong tục trở về với ý nghĩa tốt đẹp nhất của nó, làm sao đó để phong tục này là mỹ tục đừng biến thành hủ tục.

Tuệ Tĩnh

Lì xì Tết qua ví điện tử, quét mã QR hay tặng xổ số Vietlott?(VietQ.vn) - Đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều người chọn hình thức lì xì qua ví điện tử, quét mã QR, tặng xổ số Vietlott… vừa nhanh chóng lại tiện lợi.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang