Tết Mậu Tuất, người Xê Đăng đào được củ sâm Ngọc Linh gần một kg

authorĐỗ Thu Thoan 18:57 16/02/2018

(VietQ.vn) - Mới đây, trong lúc vào rừng đặt bẫy thú, một người dân ở Nam Trà My, Quảng Nam đã phát hiện cây sâm Ngọc Linh quý hiếm với phần củ sâm dài hơn chiếc đũa, thân cây có sáu nhánh, cao hơn 50 cm.

Sự kiện: Kinh doanh

Anh Hồ Văn Giới cùng hai người trong xã Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) đi bộ bốn giờ để vào rừng đặt bẫy thú. Đi qua cánh rừng nguyên sinh trên đỉnh núi Ngọc Linh, các anh phát hiện cây sâm.

"Nó mọc trên gốc cây dương xỉ, rễ đeo bám khắp củ sâm nên mất hơn ba giờ mới đào xong”, anh Giới cho biết. Phần củ sâm dài hơn chiếc đũa, thân cây có sáu nhánh, cao hơn 50 cm. Rửa sạch đất đưa lên cân, cả củ và thân cây nặng 8 lạng. Nhóm anh Giới mang sâm về bán lại cho một thương lái.

tet-mau-tuat-nguoi-xe-dang-dao-duoc-cu-sam-ngoc-linh-gan-mot-kg
 
tet-mau-tuat-nguoi-xe-dang-dao-duoc-cu-sam-ngoc-linh-gan-mot-kg

Củ sâm Ngọc Linh gần một kg. Ảnh: Vnexpress

Ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My đánh giá, đây là củ sâm quý hiếm, tuổi đời lớn. Hiện trong tự nhiên, sâm như loại này rất hiếm.

"Củ sâm này giá bán từ 400 đến 500 triệu đồng", ông Quý nói và thông tin cách đây gần hai năm một người dân xã Trà Linh đào được một củ sâm gần một kg, tuổi đời trên 100 năm.

Được biết, sâm Ngọc Linh vốn được người dân Xê Đăng sống dưới ngọn núi cao nhất miền Trung dùng để chữa bệnh. Họ gọi đó là “thuốc dấu”. Những năm chiến tranh, người dân thường dùng "thuốc dấu" trị vết thương, sốt rét... cho bộ đội.

Loài cây được biết đến rộng rãi vào năm 1973, khi dược sĩ Đào Kim Long được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đi tìm và nghiên cứu các loại thuốc quý để chữa bệnh cho bộ đội. Sau hàng năm trời cuốc bộ dọc dãy Trường Sơn, dược sĩ Long tìm ra loài cây mà người dân Xê Đăng vẫn dùng để trị bách bệnh. Ông sau đó đặt tên cho loài cây là sâm Ngọc Linh, hay sâm K5.

Việc cây thuốc quý được biết đến rộng rãi vô tình khiến cho hàng trăm người tứ xứ đổ xô lên núi săn lùng. Chỉ trong vài năm, cây sâm tự nhiên gần như tuyệt chủng. May mắn, thời điểm này một số người dân địa phương lo ngại biến mất loài cây quý nên đã tổ chức ươm giống và mang sâm tự nhiên từ trong rừng về nhà trồng để bảo tồn loài sâm quý này.

Vào tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000 hecta, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.

Đầu tháng 6/2017 vừa qua, Thủ tướng phê duyệt sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) là sản phẩm quốc gia.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang