Tết Trung thu: Học làm mặt nạ giấy bồi từ nghệ nhân duy nhất phố cổ Hà Nội

author 06:50 18/09/2018

(VietQ.vn) - Mặt nạ giấy bồi là thứ đồ chơi Tết trung thu không thể thiếu của trẻ con Hà thành xưa. Để làm nên một chiếc mặt nạ giấy bồi phải mất hơn một ngày.

Gia đình bà Đặng Hương Lan (ngõ 73 Hàng Than – Hoàn Kiếm) là gia đình duy nhất của phố cổ còn gắn bó với nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống. Mỗi dịp Tết Trung thu hai ông bà lại tất bật với những đơn hàng mặt nạ giấy bồi từ các tiểu thương.

Theo bà Lan, nghề làm mặt nạ giấy bồi là nghề truyền thống được cha ông để lại. Gia đình bà Lan có 7 anh chị em nhưng không có ai theo nghề của các cụ. Năm 1979, khi bà đi lấy chồng đã được bố truyền nghề làm mặt nạ giấy bồi cho hai vợ chồng. Và từ đó, gia đình bà Lan sống bằng nghề làm mặt nạ giấy bồi.

Tết Trung thu: Học làm mặt nạ giấy bồi từ nghệ nhân duy nhất của phố cổ Hà Nội

 Khi làm mặt nạ giấy bồi, khâu quan trọng nhất là tô màu.

Bà Lan cho biết, cũng giống như bao nghề truyền thống khác, mặt nạ giấy bồi đang bị mai một theo thời gian. Trước đây, không riêng gì gia đình bà Lan mà khắp các phố Hà thành rất nhiều gia đình làm mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao bán dịp Tết Trung thu. Thế nhưng, khi văn hóa hội nhập cộng với ngành công nghiệp đồ chơi lên ngôi, thì cũng giống như nhiều sản phẩm truyền thống khác, mặt nạ giấy bồi đã dần rơi vào lãng quên. Và, nhiều gia đình làm mặt nạ giấy bồi đã bỏ nghề. Nhiều lần, bà Lan cũng có ý định bỏ nghề làm mặt nạ giấy bồi. Nhưng, vì quá yêu nghề mà bà không đành lòng, vậy là bà và chồng của mình đã cố gắng gìn giữ nghề cha ông để lại.

Để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ. Đầu tiên phải xé giấy báo thật nhỏ. Sau đó, lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn các khuôn mặt rồi bắt đầu dán. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn dán chồng lên nhau sẽ thành hình một chiếc mặt nạ giấy bồi. Mỗi lớp giấy được kết dính với nhau bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn.

Những chiếc mặt nạ sau khi dán xong sẽ được phơi khô tự nhiên mới giữ được hình dáng ban đầu. Nếu dùng máy sấy khô, mặt nạ sẽ bị biến dạng, cong vênh. Vì thế, chỉ những ngày nắng, gia đình bà Lan mới làm mặt nạ còn ngày mưa thì tạm nghỉ. Tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ.

Tết Trung thu: Học làm mặt nạ giấy bồi từ nghệ nhân duy nhất của phố cổ Hà Nội

 Ngoài bán buôn, mỗi dịp Tết Trung thu, bà Lan cũng thường mang mặt nạ ra phố Hàng Mã bán. Ảnh Hoàng Dương.

Những hình khuôn chủ đạo của mặt giấy bồi được gia đình bà Lan làm như Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu, trâu, lợn, hổ, báo … và để phù hợp với xu hướng thị trường, gia đình bà Lan cũng sáng tạo nên những hình thù khác như: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, siêu nhân, thủy thủ mặt trăng, người nhện ….

Song song với sự mai một và không còn người nối nghiệp cha ông, một điều nữa mà bà Lan cũng luôn trăn trở đó là, hiện nay, nhiều chiếc mặt nạ làm nhái với chất lượng kém tràn ngập chợ buôn với giá rẻ. Buồn hơn là khi họ dùng chính sản phẩm làm giả nhưng lại bán ra với thương hiệu của gia đình nhà bà.

Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang